Đầu năm 2021, bóng đen dịch bệnh vẫn treo lơ lửng trên đầu các hãng hàng không Việt Nam. COVID-19 hoành hành trên thế giới khiến các đường bay thường lệ quốc tế chưa thể được nối lại.
Các biện pháp phòng dịch được áp dụng tương đối chặt chẽ nhưng COVID-19 vẫn tái bùng phát lần 3 ngay trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nhu cầu đi lại trong nước giảm mạnh, lượng khách bỏ chỗ rất nhiều. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết 2021 là năm đầu tiên mà các hãng hàng không nước ta thua lỗ trong tháng Tết. Báo cáo tài chính quý I đã vẽ nên một bức tranh u ám về kết quả kinh doanh của ngành hàng không. Sang đầu tháng 4, nhu cầu đi du lịch hè lên cao, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát nên đất nước không phải giãn cách xã hội như tháng 4/2020, tổng số chuyến bay trong tháng nhờ vậy mà cao gấp 12 lần cùng kỳ.
Thua lỗ là chuyện không vui vẻ gì nhưng cạn tiền mới là mối nguy thực sự lớn trong ngắn hạn. Chừng nào trong két còn tiền, các hãng sẽ còn có thể cầm cự qua ngày, đợi đến khi vắc xin được triển khai trên diện rộng, đại dịch được đẩy lùi và hàng không sẽ trở lại. Trong bối cảnh các quy định phòng dịch được thắt chặt, hành khách xa lánh hàng không và du lịch, một lối thoát cho các hãng bay là tăng cường chở hàng. Các kiện hàng có thể được dễ dàng khử trùng diệt khuẩn, không cần phải cách ly y tế và nhu cầu với nhiều mặt hàng lại tăng cao trong đại dịch khi nhiều người phải ở trong nhà.
Từ tháng 5, tình hình của các hãng hàng không sẽ thêm phần đen tối do sự tái bùng phát của dịch COVID-19. Các ca bệnh mới đã được phát hiện từ ngày 27/4 song đến đầu tháng 5 khi dịch lan rộng tại nhiều địa phương, tác động tới ngành hàng không mới thực sự rõ rệt. Khung cảnh vắng vẻ bao trùm tại nhiều sân bay, trái ngược với những hàng dài chờ làm thủ tục những ngày trước đó. Nhiều tháng qua, khi không thể bay quốc tế, các hãng đã tích cực mở mới đường bay nội địa, thậm chí tăng quy mô đội tàu bay. Hàng loạt chương trình khuyến mãi được tung ra làm giá vé xuống thấp, không đủ bù đắp chi phí.
Dịch bệnh tái xuất hiện làm cho doanh thu sụt giảm trong khi nhiều loại chi phí vẫn tiếp tục phát sinh. Kết quả kinh doanh do vậy nhiều khả năng vẫn kém sắc trong quý II. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, 6 hãng hàng không của nước ta đã khai thác tổng cộng 84.431 chuyến bay, tăng 7,5% so với 4 tháng đầu 2020. Vietnam Airlines và Bamboo Airways có số chuyến tăng lần lượt 5,9% và 58,7%. Các hãng Pacific Airlines, Vietjet Air, Vasco đều đi xuống; Vietravel Airlines không có số cùng kỳ để so sánh.
Vietnam Airlines (bao gồm cả hai hãng thành viên là Pacific Airlines và Vasco) đã được chính phủ đồng ý hỗ trợ khoản vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Theo Chứng khoán HSC, trong quý II Vietnam Airlines mới được nhận số tiền cứu cánh thanh khoản này. Tại ngày 31/3/2021, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam có khoảng 2.100 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chỉ bằng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và 21% so với cuối quý I/2019 khi chưa có dịch. Hãng bay tư nhân là Vietjet Air và Bamboo Airways đều mong muốn được Nhà nước cho vay hỗ trợ thanh khoản tổng cộng 10.000 tỷ đồng với các điều khoản tương tự như đã dành cho Vietnam Airlines nhưng cho đến nay chưa được chấp thuận.
Tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt trong ba tháng đầu năm nay giảm 25% so với quý đầu năm ngoái dù có thêm sự tham gia của tân binh Vietravel Airlines. Bamboo Airways là hãng duy nhất có số chuyến bay nhích nhẹ 2,6%, các hãng còn lại đều giảm khoảng 25-40%.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Mã: HVN) gồm ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco báo lỗ sau thuế hợp nhất 4.975 tỷ đồng. CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 123 tỷ. Tuy nhiên kết quả này đạt được là nhờ một phần lớn vào khoản thu nhập tài chính bất thường gần 1.400 tỷ. Trong báo cáo giải trình, Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương nói: “Số lợi nhuận [123 tỷ] này đến từ việc Vietjet đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không”. Quả thực, khi chưa có khoản lợi nhuận tài chính bất thường, Vietjet lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh hàng không cốt lõi. Bamboo Airways không công bố báo cáo tài chính nên không biết cụ thể kết quả kinh doanh lãi lỗ ra sao. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đầy thách thức hiện nay, hãng hàng không rất khó để có lãi chỉ bằng việc vận chuyển hành khách.
COVID-19 cứ vài tháng lại tái bùng phát một lần dẫn tới các đợt giãn cách xã hội gắt gao, nhu cầu di chuyển bằng hàng không của hành khách cũng cắm đầu lao dốc theo.