Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thị trường bất động sản 2020 sẽ tiếp tục suy giảm, nhà ở cao cấp dư thừa nhưng thiếu nhà ở bình dân.
Chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
Thừa nhà giá cao, thiếu nhà giá thấp
Một trong những yêu cầu của Quốc hội với ngành xây dựng là tăng cường kiểm soát và quản lý để bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động ổn định, thông suốt và hiệu quả; tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Về tình hình chung, báo cáo nêu rõ, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2018) thị trường bất động sản năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm. Thể hiện qua lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% . Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019, các chỉ tiêu của thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước: lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018.
Nguyên nhân cơ bản là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ – du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dự báo, thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây (sụt giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm).
Về cơ cấu sản phẩm, tình trạng không mới được Bộ trưởng nêu lại là nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% – 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Còn nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% – 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Cập nhật thông tin hết Quý I/2020, Bộ trưởng cho biết giá bất động sản tại một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển có biến động, tuy nhiên mức độ hông lớn. Cụ thể, Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82%. Tại TP. HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% ,nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36%.
Vẫn còn tình trạng thổi giá
Khẳng định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản đã cơ bản hoàn thiện, song báo cáo của Bộ trưởng cũng nêu không ít hạn chế trong quản lý.
Đó là trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel,..) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Hạn chế tiếp theo là giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Theo cách đánh giá chung hiện nay thì giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng, Bộ trưởng giải thích.
Vẫn theo đánh giá của Bộ thì giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản vẫn chưa được thường xuyên, liên tục. Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật.
Nguyên Vũ
Theo Báo Đầu Tư