Bộ Tài chính kiến nghị nghiên cứu đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán; cùng với đó, cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về các giải pháp, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, cơ quan này đánh giá khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội đang là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và đây cũng chính là thời điểm bước vào giai đoạn mới của thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi kinh tế – xã hội.
Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, Bộ Tài chính kiến nghị nhiều biện pháp.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính kiến nghị nghiên cứu đề xuất việc lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 3 tháng (đến trước ngày 30/9), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1 – 2 ngày).
Cùng với đó, tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán; cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Liên quan đến hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán, theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 22/2019/TT-NHNN, “tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. |
Bộ Tài chính cũng dự định trình Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho hay sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng… Đồng thời, tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ dự án để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Đặc biệt, cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại.
“Kết thúc năm 2020, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bôi chi ngân sách nhà nước (tương ứng số thu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020 không thu được, phải chuyển thu năm 2021)”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Bộ Tài chính đánh giá trong điều kiện thu ngân sách dự kiến giảm, chi ngân sách tăng, cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn. Do đó, cơ quan này đặt quyết tâm “hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhiệm vụ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm để cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không thực sự cần thiết; các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm tối thiểu 30% dự toán kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% dự toán kinh phí công tác nước ngoài trong 9 tháng cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, sử dụng từ nguồn dự phòng, nguồn vượt thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cân đối ngân sách.
Ngoài ra, tiếp cận đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế (như: Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển Pháp, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản,…) để góp phần giảm áp lực vay trong nước.