Theo xếp hạng của PwC và Urban Land Institute, thị trường bất động sản TP.HCM đang đứng thứ 3 về tiềm năng đầu tư và đứng đầu về phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương.
Công ty kiểm toán quốc tế PwC và Urban Land Institute mới công bố bảng xếp hạng triển vọng đầu tư bất động sản châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 nhằm phản ánh mức độ ưa chuộng của các nhà đầu tư với các thị trường trong khu vực.
Cụ thể, top 5 thị trường đáng chú ý trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Singapore, Tokyo, TP.HCM, Sydney và Melbourne. Trong đó, TP.HCM là thị trường đứng thứ 3 về xếp hạng đầu tư và đứng đầu về tiềm năng phát triển.
Theo đánh giá, trong những năm gần đây, Việt Nam là thị trường mới nổi tại châu Á và được các nhà đầu tư ưa chuộng nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất của các nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
TP.HCM là một trong những thị trường bất động sản có mức tăng trưởng cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn.
Tuy nhiên, thị trường TP.HCM vẫn ghi nhận một số rủi ro tiềm tàng và khó xác định những cơ hội đầu tư tốt.
Đứng đầu trong bảng xếp hạng là Singapore với vị trí thứ nhất về đầu tư và thứ 2 về phát triển. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số xu hướng đáng chú ý của toàn thị trường.
Phân khúc văn phòng vẫn là loại hình bất động sản đầu tư phổ biến nhất, mặc dù đang có nhiều nghi vấn về tiềm năng phát triển thực chất loại hình văn phòng linh hoạt – dòng sản phẩm có tăng trưởng mạnh nhất của phân khúc này.
Bất động sản công nghiệp và hậu cần vẫn là lĩnh vực được kỳ vọng phát triển vượt trội. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa có hệ thống không gian hậu cần hiện đại và điều này trở thành cơ hội cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang hướng đến thị trường ngách của phân khúc như kho lạnh, kho hàng…
Theo Bảng xếp hạng chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu (GRETI) do Jones Lang LaSalle thực hiện, Việt Nam xếp thứ 56 toàn cầu về mức độ minh bạch trong ngành bất động sản, chuyển từ nhóm “thiếu minh bạch” sang nhóm “bán minh bạch”.
Theo đó, Việt Nam đã tăng 4 bậc so với bảng xếp hạng 2018 để đạt mốc thứ hạng 56 trong bảng xếp hạng mới, trong đó hai đô thị trung tâm Hà Nội và TP.HCM đã giúp Việt Nam thăng lên cột mốc minh bạch mới.
Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí là trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới trên phương diện điều kiện vận hành và cạnh tranh chi phí, theo Cushman & Wakefield.