Thời gian qua, thị trường bất động sản dường như tê liệt dưới ảnh hưởng của vấn đề pháp lý và thắt chặt tín dụng. Ngoài biến động của kinh tế thế giới, thị trường bất động sản TP.HCM còn đối mặt với những thông tin tiêu cực của các “đại án” liên quan đến sai phạm của các tổ chức, cá nhân.
Theo Tổng Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút khoảng 13,4 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước (3,15 tỷ USD). GDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 – 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Cushman & Wakefield cho rằng dù gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn từ năm 2024-2026. Trợ lực mới đến từ một loạt các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách quản lý cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới 5.000km đường cao tốc. Các tín hiệu cơ sở hạ tầng rất tích cực, cụ thể, sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng.
Thêm vào đó, sự kiện khởi công Vành đai 3 với tổng vốn đầu tư 75.000 tỷ đồng và sự kiện tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng.
Riêng quy hoạch sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ có mức công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, gấp 2,5 lần công suất hiện tại của hàng không Singapore.
Chính phủ cũng đã ban hành những cập nhập thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy cho thị trường bất động sản. Tính đến nay, Bộ Xây dựng, tổ công tác của Thủ tướng đã xử lý, giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc cùng kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản trên cả nước.
Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của thị trường bất động sản và Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực. Thị trường đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam giai đoạn 2022 – 2023 cũng đã thu hút được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh nhiều cơ hội giao dịch xuất hiện.
Bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho rằng bất động sản luôn trải qua qua bốn giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới. Các giai đoạn có thể được mô tả như phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và suy thoái. Dường như Việt Nam những tháng qua đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Nhưng cũng có thể nói một cách lạc quan rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.
Thời gian tới, Cushman & Wakefield cũng dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng cho vay nhằm đảm bảo giảm rủi ro về vốn. Tuy nhiên, một môi trường cho vay nghiêm ngặt và thận trọng hơn sẽ tạo được môi trường đầu tư an toàn và lâu dài, hỗ trợ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, các chuyên gia tin rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng.
Tổng Hợp
(Dân Việt)