Thị trường bất động sản nhà ở hiện nay chủ yếu diễn ra ở địa bàn lân cận Sài Gòn. Nhờ vậy, bất động sản công nghiệp vùng ven cũng đang tăng giá, trở thành kênh đầu tư đầy tiềm năng.
Hiện nay, tại nhiều khu vực vùng ven TPHCM đã phát triển nhiều khu công nghiệp nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp vẫn đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Tình trạng này khiến hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An bị vắt kiệt với hiệu suất sử dụng gần 100%.
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 5, cả nước có 561 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu công nghiệp trong quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 201.000 ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước).
Trong đó, có 374 khu đã thành lập, với diện tích khoảng 114.400 ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch) và 259 khu chưa thành lập, với diện tích khoảng 86.600 ha (bao gồm 55.800 ha của 187 khu công nghiệp có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30.800 ha của 72 khu mới thành lập một phần).
Sau dịch Covid – 19, thị trường bất động sản công nghiệp có những chuyển biến mới nhưng vẫn ghi nhận được sự tăng trưởng. Đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn được nhiều nhà đầu tư quan tâm, không gặp nhiều rào cản.
Chia sẻ với báo chí, đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp đã tăng 20 – 30%. Dự kiến hết năm 2020, tổng nguồn cung nhà xưởng và kho xây sẵn tại các khu vực miền Bắc sẽ đạt gần 2 triệu m2 sàn cho thuê (tăng 25,3% so với năm trước).
Tại miền Nam, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2%). Sau khi đại dịch được kiềm chế, giá chào thuê trung bình của nhà kho xây sẵn dự kiến sẽ tăng từ 4-11% so với cùng kỳ.
Ghi nhận, trong suốt 2 năm trở lại đây, nhận thấy tiềm năng của phân khúc bất động sản công nghiệp mang lại, nhiều công ty chuyên nghiên cứu, tư vấn về bất động sản như Savills, JLL, CBRE… đã luôn lưu ý các doanh nghiệp trong nước rằng đang có một làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nội nên nắm bắt cơ hội này.
Tại khu vực Long An, với việc hàng loạt khu công nghiệp nằm giáp ranh với TPHCM ở các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa…, chính quyền tỉnh này đang đẩy mạnh việc hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62; Quốc lộ N2 nối từ Củ Chi đi xuyên suốt vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị đưa vào khai thác trong tương lai gần; Quốc lộ N1 cũng chuẩn bị được đầu tư xây dựng.
Đánh giá về tiềm năng, theo CBRE Việt Nam, đầu tư bất động sản khu công nghiệp đòi hỏi vốn rất lớn cho việc đền bù đất, xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, cuộc chơi này không dành cho tất cả các doanh nghiệp mà chỉ dành cho các chủ đầu tư lớn. Các chủ đầu tư cá nhân có thể hưởng lợi gián tiếp từ xu hướng này ở phân khúc nhà cho chuyên gia và khu dân cư gần các khu công nghiệp.
Quế Sơn