Bất động sản 2022 được đánh giá khó khăn hơn nhiều so với năm trước và chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong ngắn hạn.
Ngay trong quý III, hoạt động điều tiết tín dụng, tăng lãi suất đã khiến thanh khoản bất động sản chịu ảnh hưởng sâu sắc. Mức độ quan tâm đến bất động sản giảm mạnh và giao dịch thực tế không đáng kể.
Báo cáo của một số doanh nghiệp và công ty chứng khoán cho thấy, hoạt động bán hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong quý vừa qua khi tỷ lệ mở bán thành công thấp hơn các đợt mở bán ở giai đoạn trước. Các đơn vị cũng đưa ra dự báo tình hình khó khăn này sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay.
Theo dự báo của Chuyên gia Kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, dự báo “dòng tiền tiếp tục khó khăn cao trong ba tháng tới do nhà nước tiếp tục xử lý và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Khó khăn sẽ giảm dần trong quý I/2023 và có thể ổn định lại trong quý II/2023.
Doanh nghiệp bất động sản sẽ có ít nhất 6 tháng nữa để đối đầu với sự khó khăn của dòng tiền. Đây là tình trạng chung nên các doanh nghiệp phải chủ động trong việc quản lý dòng tiền, khả năng huy động và khả năng sử dụng dòng tiền phải cân với nhau”.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước rủi ro mất thanh khoản, buộc phải thực hiện các biện pháp chưa có tiền lệ để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO).
Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp bất động sản tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí giảm 50% lực lượng lao động.
Cũng theo Chủ tịch HoREA, do tắc các kênh huy động vốn (tín dụng, trái phiếu, vốn huy động khách hàng) nên một số doanh nghiệp bất động sản phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao hoặc phải bán bớt tài sản, dự án; bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (40% giá hợp đồng).
Chủ tịch HoREA đánh giá tình thế khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay có một số điểm tương đồng so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng trong giai đoạn 2008 – 2013 (trừ khoảng thời gian phục hồi ngắn ngủi từ cuối năm 2009 – 2010).
Chủ tịch HoREA cho rằng vấn đề mới cần quan tâm so với giai đoạn 2007 – 2008 là giai đoạn 2023 – 2024 ước tính có khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện còn tồn tại một số hạn chế.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi để thống nhất.
Thứ hai, việc triển khai đầu tư xây dựng một số dự án bất động sản tại địa phương hiện nay hầu hết đều gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm khiến số lượng dự án được chấp chuận mới, khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế.
Thứ ba, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, trung bình.
Thứ tư, cơ cấu sản phẩm vẫn còn bất hợp lý, trong đó thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Thứ năm, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân.
Thứ sáu, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng quản lý sử dụng đất và quản lý thị trường bất động sản tại các địa phương vẫn còn bất cập.
Thứ bảy, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn còn bất hợp lý, hiện nay bất động sản chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động qua phát hành trái phiếu. Trong khi nguồn vốn khác chỉ chiếm 15 – 30%. Vẫn chưa có nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường, do đó trong quý III vừa qua, doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu.
Thứ tám, chính sách thuế liên quan đến sở hữu và sử dụng bất động sản vẫn còn chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, việc kinh doanh mua đi bán lại dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Ngoài ra, hoạt động của thị trường bất động sản vẫn còn thiếu công khai minh bạch do hệ thống thông tin vẫn chưa hoàn thiện.
Bộ trưởng cho biết, theo kinh nghiệm của các nước và nước ta trong những năm gần đây, thị trường bất động sản có những biến động khi chịu tác động đồng thời hoặc phần lớn các yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác không ổn định, nguồn cung bất động sản quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu, nguồn vốn vào thị trường quá lớn hoặc hạn chế, thiếu sự can thiệp kịp thời của Nhà nước.
Tổng Hợp