Trong năm 2022, cảm xúc được tạo nên bởi các thay đổi với tốc độ chưa từng thấy. Sau ba quý bắt đầu từ tháng 4/2022 và những sự kiện dồn dập trong 2 tháng cuối năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chính thức chuyển trạng thái, bắt đầu một giai đoạn mới và khởi đầu một chu kỳ mới.
Trong giai đoạn cũ, thị trường đã đạt được sự tăng trưởng nhanh về quy mô do sự gia tăng mạnh cả về cung và cầu. Sự phát hành dễ dàng đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và sự gia tăng nhu cầu đầu tư sản phẩm tài chính an toàn có lợi tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng của người đầu tư cá nhân là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng đột biến. Bên cạnh đó, chất xúc tác cho sự bùng nổ là hệ thống phân phối trái phiếu tới người đầu tư cá nhân đã hoạt động nhịp nhàng.
Tại thời điểm quý 1/2022, cấu trúc cung và cầu nêu trên đã đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới mức có thể gây nên những thiệt hại lâu dài. Và các điều chỉnh là cần thiết. Thay đổi khuôn khổ pháp lý thay đổi đã chính thức đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp sang một giai đoạn mới.
Trong trung hạn và năm 2023, trái phiếu doanh nghiệp sẽ trải qua một giai đoạn điều chỉnh rõ rệt khi các quy định pháp luật mới đã làm hạn chế cả cung và cầu. Khả năng phát hành của các doanh nghiệp trong các nhóm ngành, đã từng là đối tượng phát hành chính trong giai đoạn tới năm 2021, suy giảm mạnh khi sẽ không thể thực hiện theo cách cũ và đại đa số người đầu tư cá nhân, đã đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 2018-2021, sẽ không mua được dễ dàng như trước.
Sự suy giảm rõ rệt về lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong quý 4/2022 (2,3 nghìn tỷ đồng) với với quý 3 (67,3 nghìn tỷ đồng) đã là tín hiệu rõ ràng để dự báo sự suy giảm về quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023-2024 khi lượng phát hành mới sẽ thấp hơn giá trị trái phiếu đáo hạn.
Nhìn từ góc độ khác, các điều chỉnh về khuôn khổ pháp luật và nhận thức về trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đã mở ra một chu kỳ mới cho sự phát triển của thị trường, một chu kỳ phát triển ổn định hơn, thực chất và có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Điểm sáng có thể nhận thấy là chu kỳ suy giảm về quy mô thị trường sẽ không kéo dài, dự kiến sẽ trong hai năm 2023-2024. Theo nhận định của VIS Rating, chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ năm 2025 dựa trên nhiều lý do, trong đó thay đổi khuôn khổ pháp lý và nhu cầu là các động lực chính.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong năm năm trở lại đây với tốc độ bình quân 35%/năm và đạt quy mô khoảng 1,3 triệu tỉ đồng sau khi đã giảm đáng kể từ mức 1,5 triệu tỉ đồng vào giữa năm 2022, sau khi doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu hoặc nhà đầu tư chủ động tất toán trước hạn.
Vào cuối tháng 9.2022, quy mô trái phiếu lưu hành chiếm 14% GDP năm 2021 và 12% so với tổng dư nợ tín dụng ngân hàng vào cuối quý 3.2022. Tuy nhiên, hơn 95% giá trị lưu hành hiện nay là phát hành riêng lẻ vốn mang nhiều bản chất của tín dụng dự án và trái phiếu phát hành đại chúng được kỳ vọng có chất lượng hơn thì chỉ chiếm rất ít và chưa có dấu hiệu tích cực.
FiinRatings ước tính, trong tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành 1,3 triệu tỉ đồng thì trái phiếu do ngân hàng phát hành có quy mô 391 ngàn tỉ đồng (chiếm 30%), trái phiếu bất động sản 455 ngàn tỉ đồng (chiếm 35%) và còn lại hơn 454 ngàn tỉ đồng là của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như năng lượng, xây dựng, sản xuất và dịch vụ.
Trước ảnh hưởng hiện nay của vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, hiện có nhiều ý kiến về việc đề xuất sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ qua việc hình thành quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tương tự những gì đã và đang thực hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí như Chương trình tham gia mua trái phiếu thứ cấp tại Mỹ.
Với nhu cầu vốn mới nên ưu tiên kênh chào bán rộng rãi ra công chúng. Trong khi kênh phát hành riêng lẻ được siết lại theo nghị định 65 thì kênh phát hành chào bán đại chúng nên được khai thông bởi các cơ quan quản lý và hỗ trợ kênh này phát triển.
Phát hành chào bán đại chúng với các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin và có thể tiếp cận được bất kỳ đối tượng nhà đầu tư nào, cả tổ chức và cá nhân. Chỉ có điều để “tránh vết xe đổ” thì thông tin cần minh bạch và “hàng hóa” cần được xác định chất lượng. Điều này tránh việc nhà đầu tư đại chúng mua với lãi suất thấp nhưng hóa ra lại là hàng rủi ro cao hoặc ngược lại.
Kênh này đã bị “bỏ quên” nhiều năm qua bởi việc phát hành riêng lẻ quá dễ dãi nên FiinRatings cho rằng cần phải khởi động lại kênh huy động này một cách cấp thiết, nhất là các doanh nghiệp chấp nhận chủ động minh bạch thông tin, bao gồm cả xếp hạng tín nhiệm không chỉ tổ chức phát hành mà cả trái phiếu được chào bán trên thị trường.
Tổng Hợp
(VnE, Forbes)