BCTC hợp nhất quý III/2021 của CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) cho thấy, doanh thu thuần trong quý giảm 41,5% về 457 tỷ đồng, trong khi đó công ty này đẩy mạnh vay trái phiếu, dư nợ vay vượt 12.900 tỷ trong 9 tháng đầu năm…
Trong kỳ, Bamboo Capital đẩy mạnh hoạt động đi vay với tổng nợ gần 10.870 tỷ đồng (cùng kỳ vay hơn 2.900 tỷ đồng), nợ vay trái phiếu phát sinh thêm gần 6.780 tỷ đồng. Theo đó, dòng tiền từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng đột biến từ 1.381 tỷ đồng lên 9.925 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Bamboo Capital tính đến cuối tháng 9 vượt 29.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay chiếm trên 12.900 tỷ đồng (riêng dư nợ vay dài hạn gần 10.951 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với đầu năm và chủ yếu là nợ trái phiếu). Bên cạnh đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp âm trên 7.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 471 tỷ đồng, biến động mạnh ở các khoản phải thu, phải trả và chứng khoán kinh doanh.
Trong đó, phải thu dài hạn khác cao gấp đôi đầu năm, ghi nhận trên 12.200 tỷ đồng và chiếm 35% tổng tài sản. Khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của Bamboo Capital ghi nhận trên 1.670 tỷ đồng, gấp 2,9 lần đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong, CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Hải (chủ đầu tư khu du lịch tại Quảng Nam).
Biên lãi gộp của doanh nghiệp có sự cải thiện từ 40% ở cùng kỳ lên 94%. Trong quý, Bamboo Capital ghi nhận nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính với hơn 596 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 100 tỷ đồng, được đóng góp từ lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Đồng thời, chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ 79 tỷ đồng lên hơn 318 tỷ đồng. Cũng nhờ doanh thu tài chính lớn nên lãi thuần của Bamboo Capital cao gấp 2,8 lần cùng kỳ với gần 278 tỷ đồng. Lãi ròng tăng trưởng thấp hơn với tỷ lệ 19% lên hơn 52 tỷ đồng do doanh nghiệp có khoản lỗ khác 7,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II/2021, nợ phải trả của Bamboo Capital thời điểm 30/6 đã tăng hơn 9.300 tỷ đồng so với đầu năm lên xấp xỉ 30.500 tỷ đồng, chiếm hơn 85% tổng tài sản và gấp 5,75 lần vốn chủ sở hữu. Sự gia tăng chủ yếu do nợ dài hạn tăng đến gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 23.562 tỷ đồng vào thời điểm 30/6. Đặc biệt, nợ vay tài chính đã tăng đột biến từ hơn 2.500 tỷ đồng đầu năm lên đến gần 11.100 tỷ đồng vào cuối quý II. 6 tháng đầu năm, Bamboo Capital đã phát hành xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn với các kỳ hạn từ 2-3 năm, lãi suất dao động 10-11%.
Phần lớn nguồn vốn huy động được Bambo Capital và các công ty thành viên góp vốn đầu tư các dự án năng lượng, bất động sản. Tài sản gia tăng chủ yếu nằm dưới dạng các khoản phải thu với công nợ thời điểm 30/6 lên đến 18.776 tỷ đồng, tăng hơn 7.200 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm đến 52% tổng tài sản. Riêng phải thu dài hạn khác đã tăng gần 6.000 tỷ đồng so với đầu năm lên xấp xỉ 12.000 tỷ đồng vào cuối quý II trong đó đáng chú ý là khoản phải thu đối với Điện Gió Khai Long 1 (3.087,5 tỷ đồng), White Magnolia (1.981,5 tỷ đồng), Thương mại Vũ Tuấn (1.005 tỷ đồng), Đầu tư Dịch vụ Orchid (1.487,6 tỷ đồng),…
Các khoản phải thu “phình to” trong khi khả năng chiếm dụng vốn bị hạn chế khiến Bambo Capital âm dòng tiền kinh doanh đến hơn 7.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, ngoài trái phiếu Bamboo Capital còn muốn huy động thêm tiền từ cổ đông.
Mua lại công ty bảo hiểm thua lỗ triền miên
Công ty Cổ phần Bamboo Capital mới đây đã thông qua việc tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA. Theo đó, Bamboo Capital sẽ nhận chuyển nhượng từ các cổ đông hiện hữu với khối lượng hơn 79,7 triệu cổ phần, tương đương với 71% vốn điều lệ của Công ty bảo hiểm này. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 8/2021, lãnh đạo Bamboo Capital từng tiết lộ sẽ tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm nhằm hỗ trợ việc huy động vốn và tài trợ dự án. Dù vậy, tập đoàn này cũng đang gặp không ít vấn đề với dòng tiền kinh doanh khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch thâu tóm. Trước đó, Bamboo Capital cũng từng mua lại một công ty bảo hiểm thua lỗ lớn khác là Bảo hiểm Viễn Đông (VASS).
Bảo hiểm AAA hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ với vốn điều lệ gần 1.123 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm IAG International PTY Ltd sở hữu 80,47% vốn (tỷ lệ biểu quyết 73%), Eximbank nắm 5,28% vốn (tỷ lệ biểu quyết 7,29%). Năm 2018, Công ty bảo hiểm này đã phát hành gần 40 triệu cổ phiếu ưu đãi (không có quyền biểu quyết và được hưởng cổ tức hàng năm tỷ lệ 6%) cho công ty mẹ và các cổ đông cá nhân. Hoạt động kinh doanh của Bảo hiểm AAA khá bết bát khi lỗ triền miên và chỉ duy nhất năm 2019 có lãi trong 10 năm trở lại đây. Năm 2020, Công ty bảo hiểm này lỗ ròng 109 tỷ đồng qua đó nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối năm ngoái lên 863 tỷ đồng.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)