Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng của hai “đầu tàu” kinh tế cả nước có thể thấy có sự phân hóa. Ba tháng còn lại của năm 2023 là khoảng thời gian mang tính chất thời vụ…
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%. Tuy nhiên, số báo cáo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15/9 chỉ đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8.
Như vậy, mặc dù đã qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã đề ra, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng của hai “đầu tàu” kinh tế cả nước có thể thấy có sự phân hóa. Theo đó, tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng tháng 8 tại địa phương này tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 8, tín dụng đã tăng trưởng 0,92% so với tháng 7. Tín dụng ngắn hạn tại TP.HCM tăng 4,92% so với cuối năm ngoái, trong khi tín dụng dài hạn tăng 1,88%.
Ngược lại, trên địa bàn Hà Nội, đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,35%.
Trước tình hình này, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay. Thống kê của NHNN cho thấy, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay so với thời điểm đầu năm đã giảm từ 1-3% đối với khách hàng doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân. Thậm chí, một số ngân hàng còn tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 7-8%/năm (thấp hơn cả lãi suất huy động) trong thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm.
Vì thế, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2023. Đáng chú ý là khi ngân hàng đang “thừa” tiền, thanh khoản khá dồi dào.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, 3 tháng còn lại của năm 2023 là khoảng thời gian mang tính chất thời vụ và yếu tố thị trường dịp Tết âm lịch sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch.
“Sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu; về sản xuất công nghiệp, về du lịch, dịch vụ và các thị trường…”, ông Lệnh nhận định.
Đồng thời, “điểm rơi” chính sách xuất hiện và phát huy tác dụng như: 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN đã giúp các ngân hàng thương mại có dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay; Chính sách cơ cấu nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng; Việc ổn định thị trường tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và ổn định giá trị tiền đồng.
Những yếu tố trên đã và đang phản ánh trên thực tế bằng chỉ số tăng trưởng tín dụng tháng 8/2023 trên địa bàn TPHCM tăng gần 1% so với tháng 7/2023. Do đó, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM dự báo, những yếu tố này tiếp tục sẽ có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, không ít chuyên gia tài chính lại nhận định tín dụng khó có sự tăng đột biến đặc biệt ở những tháng cuối năm 2023.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi doanh nghiệp khó khăn. Do đó, bên cạnh giảm lãi vay cũng cần giải pháp kích cầu sức mua thì ngân hàng mới chữa được “bệnh thừa tiền”.
Tổng Hợp
(VNB)