Áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp. Theo số liệu của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), đến năm 2023 – 2024 ước có khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có xu hướng giảm dần như quý 1 đạt 134.800 tỉ đồng, quý 2 đạt 122.400 tỉ đồng, sang đến quý 3 còn 65.900 tỉ đồng và tháng 10 là 5.800 tỉ đồng. Trong khi đó, lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,8% dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2021. Trong 2 tháng cuối năm còn 58.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán. Trong đó có tới 35.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của nhóm ngành bất động sản phải đáo hạn.
Nếu nhà đầu tư có tiền mà chưa có việc gì cấp bách thì có thể đầu tư khi thấy hợp lý, giá cả tiềm năng thì chuyển sang đầu tư thì đảm bảo an toàn chắc chắn hơn vì chúng ta mua tài sản chứ không phải cam kết là tờ giấy nữa. Tuy nhiên, việc này sẽ phụ thuộc vào quan điểm, tính lâu dài và tùy sản phẩm.
Báo cáo của FiinGroup mới đây cũng cho rằng, nhà đầu tư tham gia thị trường nên giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp phát hành. Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/ hoặc gốc, việc chấp nhận đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.
Hiện nay, nhiều lô trái phiếu lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản lớn đã đến thời điểm đáo hạn. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản gặp khó khăn cùng chính sách siết tín dụng nên nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng chậm thanh khoản, không xoay xở trả được cho nhà đầu tư.
Theo đó, một số doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường đã sử dụng phương án chuyển nợ thành sản phẩm bất động sản cùng nhiều cam kết kèm các ưu đãi cho trái chủ. Trong trường hợp khách hàng không muốn chuyển nợ thành sản phẩm bất động sản, có thể tiếp tục gia hạn trái phiếu từ 1-2 năm với mức cam kết lợi nhuận lên đến tối thiểu bằng hoặc lớn hơn gói trái phiếu vừa đến hạn. Đây cũng được xem là khoảng thời gian hợp lí để các doanh nghiệp thương lượng, làm việc với các bên liên quan cân đối dòng tiền và có thanh khoản ổn định.
Thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, mới đây ngày 14/11, Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
“Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án”, văn bản của Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo Bộ Tài chính, đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. “Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.
Tổng Hợp