Dường như ánh hào quang của trái phiếu doanh nghiệp như một công cụ đầu tư an toàn và lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm, như đã được các nhân viên ngân hàng tư vấn, đã biến mất.
Người đầu tư cá nhân chính là nhóm người mua góp phần quan trọng nhất cho sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2021.
Trong năm 2021, theo số liệu từ công ty chứng khoán TP.HCM, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng lượng trái phiếu doanh nghiệp lên tới 176,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 41,6% với lượng trái phiếu phát hành ròng trong năm và là nhóm người đầu tư lớn nhất trên thị trường.
Trong năm 2021, nhóm người mua lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là các ngân hàng, đã mua ròng lượng trái phiếu trị giá 147,1 nghìn tỷ đồng, ít hơn 16,7% so với giá trị đầu tư bởi những người đầu tư như mẹ tôi.
Năm 2021 không phải là cá biệt, trong 3 năm từ 2019 tới 2021, nhóm đầu tư cá nhân liên tục là nhóm đầu tư nhiều nhất vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số liệu từ Bộ Tài chính được báo chí đăng tải cũng cho thấy nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp 11,11% lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong kỳ, tương đương khoảng 28,4 nghìn tỷ đồng.
Nếu tính cả các giao dịch trên thị trường thứ cấp và phần có thể đã được các công ty chứng khoán mua và bán lại, tổng giá trị nhà đầu tư cá nhân đã đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2022 có thể lên tới trên 88 nghìn tỷ đồng.
Vấn đề đặt ra là nếu thiếu sức mua từ nhà đầu tư cá nhân, đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp? Bởi vì các tổ chức kinh doanh sẽ không thể phát hành trái phiếu nếu không có người mua.
Trên thực tế, thời gian qua, số đông các nhà đầu tư cá nhân nhận được các thông tin bất cân xứng khi tham gia giao dịch, dẫn đến việc người đầu tư cá nhân phải chấp nhận những rủi ro quá mức khi mua trái phiếu doanh nghiệp và hậu quả là sự đổ vỡ trên thị trường. Điều này đã được Ngân hàng Thế giới cảnh báo nhiều lần…
Các số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy đến tháng 10 năm 2021 đã có khoảng 300 nghìn người đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp. Việc nhà đầu tư cá nhân không phải là người đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không chỉ là việc cá nhân, mà đã trở thành vấn đề của xã hội.
Trong bài viết trên VnExpress, chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Thuận cho rằng, trước hết, các nhà đầu tư cá nhân hiện đang sở hữu trái phiếu doanh nghiệp nên tìm hiểu chất lượng trái phiếu mình đang có. Bởi, không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ rất thấp, một số đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt và dòng tiền trả nợ được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu trong môi trường lãi suất đang gia tăng hiện nay.
Do đó, sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Nếu vì lý do “trào lưu” mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện “bond-run” (yêu cầu tất toán/ mua lại trái phiếu ngay lập tức), thì doanh nghiệp dù tốt tự dưng trái phiếu của họ cũng thành “xấu”, hoặc rơi vào trạng thái vỡ nợ vì bị rút đột ngột trước hạn chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém.
Tổng Hợp