Hơn 10 năm trước, nhắc đến Agribank, không ít người chung cảm nhận: không biết ngân hàng này hoạt động ra sao. Việc tìm hiểu con số lợi nhuận, nợ xấu, trích lập dự phòng… trên con đường minh bạch trở nên thật khó khăn. Chặng đường khởi động IPO 14 năm bây giờ liệu có làm được.
Với những quyết sách của Thủ Tướng Chính Phủ liên tục trong vòng 10 năm nay giúo Agribank đã tự nhận diện mình là ai và đang ở đâu khi mà tại thời điểm năm 2012, tổng nợ xấu của Agribank lên tới 30 nghìn tỷ đồng, tương ứng 5,8% tổng dư nợ. Nợ xấu ở Agribank đã hạ thấp gần như tụt thẳng đứng. Lấy mốc 31/12/2012, nợ xấu ngân hàng đang ở mức 5,8%/tổng dư nợ thì chỉ sau 3 năm, vào 2015 đã kéo tụt xuống 2,01%. Năm 2016 giảm còn 1,89% và 2017: 1,54%, giảm 0,47% so với 2015 và giảm 0,35% so với 2016; 2018: 1,6%; 2019: 1,12% và 2020 là 1,7% (Nguồn: Báo cáo tài chính Agribank qua các năm). Mặc dù giai đoạn 2015 – 2020 nợ xấu có tăng giảm do nhiều nguyên nhân khách quan như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh cây trồng vật nuôi hay gần đây nhất là Covid-19; tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng vẫn trong khoảng 2%/tổng dư nợ, thấp xa so với trần nợ xấu 3% do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Thêm vào đó những khoản chi, từ vận hành hệ thống đến lương thưởng, thu nhập đều bị cắt giảm, áp lực công việc gia tăng, các mục tiêu đề ra tại Đề án tái cơ cấu ngân hàng đòi hỏi thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, dẫn đến cả nghìn lao động rời bỏ sang nơi khác. Song song là chính sách đòi nợ “có một không ai”.
Việc ngân hàng hạch toán lãi dự thu, lãi phải thu được hiểu là lãi trong kỳ được phân bổ. Đó là lãi của các khoản nợ nhóm 1, đủ điều kiện tính lãi, không bao gồm nợ cơ cấu hay nợ nhóm 2 trở lên. Báo cáo tài chính hàng năm của Agribank đều được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế hàng đầu trong nhóm “big 4”, liên tục các năm gần đây được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán số liệu hoạt động.
Agribank đang sở hữu một nhóm công ty con, trong đó có Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I). Sau hơn 10 năm, kể từ khi IPO dang dở với con số luỹ kế cả chục nghìn tỷ đồng thì nay, lỗ luỹ kế của ALC I đã và đang giảm một cách thần kỳ xuống 794 tỷ đồng. Số lỗ luỹ kế của ALC I giảm, kết hợp với thị trường tàu biển phục hồi mạnh mẽ là những yếu tố để Agribank chiếm thế thượng phong trong đàm phán bán công ty này. Theo đại diện Agribank, hiện có một số nhà đầu tư muốn mua ALC I có kế thừa công nợ. Nếu giải quyết dứt điểm thương vụ ALC I, ngoài việc thu được món hời, bức tranh tài chính của Agribank sẽ thêm phần cuốn hút, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình IPO vào năm 2022.
Tháng 8/2008, giá tàu rớt nhanh chưa từng thấy, mức giảm tới 40% – 50%, dẫn đến ngành đóng tàu trong nước suy thoái. Những đổ vỡ Vinashin, Vinalines cùng các xưởng đóng tàu rải rác khắp các tỉnh duyên hải của Việt Nam phần lớn do tác động bởi cuộc khủng hoảng này. Hoạ vô đơn chí, những tổ chức rót vốn vào lĩnh vực đóng tàu gồm có các ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính bị vạ lây, trong đó có ALC I. Đúng thời điểm đó, ALC I tiến hành IPO, hứa hẹn cuộc đấu giá thành công thì lâm vào thua lỗ, kế hoạch cổ phần hoá bị dừng lại cho đến tận bây giờ. Trong hơn 10 năm đó, ALC I tìm giải pháp phục hồi hoạt động và tập trung thu hồi công nợ. Đến thời điểm này, từ chỗ các khoản nợ phải thu cả chục nghìn tỷ đồng thì tính đến đầu tháng 6/2021, số lỗ luỹ kế chỉ còn 794 tỷ đồng.
Con đường cổ phần chông chênh 14 năm
Năm 2007, Chính phủ từng có quyết định cho phép ngân hàng này tiến hành cổ phần hoá. Tuy nhiên, năm 2008 và 2009, xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ dừng lại. Năm 2017, Agribank khởi động cổ phần hoá một lần nữa. Lúc đó, cả hệ thống từ hội sở đến chi nhánh khắp 63 tỉnh thành rạo rực, mong ngóng và cả bất ngờ vì mới đầu nhiệm kỳ trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (2011 – 2016), ông Nguyễn Văn Bình từng nói: “Trong 5 năm tôi làm Thống đốc, sẽ chưa thể đề cập tới vấn đề cổ phần hoá Agribank”.
Trong hàm ý câu nói đó, người đứng ngành muốn Agribank phải thực sự thay đổi về chất và diện mạo thì khi IPO, nhà nước vừa thu được thặng dư lớn, vừa tìm được “ý trung nhân” chất lượng để nâng tầm ngân hàng thêm nữa. Để chuẩn bị cho quá trình này, năm 2013, ngân hàng thực hiện đề án tái cơ cấu chia làm 2 giai đoạn: 2013 – 2015 và 2016 – 2020. Sau tái cơ cấu giai đoạn 1, năm 2017, Agribank khởi động cổ phần hoá một lần nữa. Cùng thời gian này, Chính phủ ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP (31/12/2017) về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Từ đây, đất đai và thủ tục pháp lý nhà đất như khối đá núi nằm ngang đường ray, khiến cả đoàn tàu phải dừng lại. Vướng mắc thì phải kêu. Hàng loạt đoàn kiểm tra liên ngành từ các bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường… xuống tháo gỡ. Đoàn đến đâu, đường quang ngõ thoáng đến đấy.
Ngoài vấn đề 176 nghìn m2 nhà đất chưa hợp thức hoá, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh như nói trên thì vẫn còn không ít trở ngại khác, nếu so với yêu cầu các văn bản pháp luật hiện hành cũng như mong muốn cổ phần hoá của Chính phủ. Agribank phải sắp xếp lại các công ty con, khoản nợ đã xử lý rủi ro, khoản phải thu khó đòi lâu ngày theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP (16/11/2017) về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo Nghị định 126, khi cổ phần hoá Agribank, Nhà nước vẫn nắm tối thiểu 65%, 20% bán ra công chúng, 5% bán nội bộ thì room nhà đầu tư nước ngoài chỉ 10%. Tỷ lệ này quá thấp, không bõ bèn với họ.
Cương Nguyễn