Đón nhanh làn sóng bất động sản công nghiệp, những nhà đầu tư sành sỏi đã săn tìm quỹ đất trống ven khu công nghiệp. Chỉ trong một tháng, nhiều nhà đầu tư “ẵm trọn” trăm triệu sau pha chốt hàng thành công.
“Sống khoẻ” sau dịch Covid-19 nhờ đất ven khu công nghiệp
Một ngày làm việc của ông Vũ Tài (nhà đầu tư tại Văn Lâm, Hưng Yên) bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Công việc xoay quanh hoạt động mời, tư vấn, chốt hàng và thực hiện thủ tục giao dịch.
“Nửa đêm khách hàng còn chuyển tiền cọc chốt hàng. Đất ở ven khu công nghiệp đang được các nhà đầu tư rất quan tâm. Điều mà tôi chưa từng nghĩ sau dịch Covid-19, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn như vậy”, ông Tài chia sẻ.
Với nhà đầu tư này, những ngày gần đây dù bận rộn nhưng lại là ngày hái quả ngọt mà ông nhận được, sau nhiều tháng “nằm gai nếm mật” tại Văn Lâm, Hưng Yên. Nửa năm trước, ông đã quyết định chuyển hướng đầu tư đến Văn Lâm, Hưng Yên, tại các xã quanh khu công nghiệp Phố Nối, Minh Hải. Lý giải về quyết định này, ông Tài phân tích, bất động sản công nghiệp trong thời gian gần đây nổi lên như một điểm sáng. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo một lượng lao động và nhân công lớn. Nhu cầu về nhà ở gia tăng. Đất thổ cư ven khu công nghiệp sẽ được săn tìm.
Vùng ven các khu công nghiệp tại Văn Lâm, Hưng Yên đang thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Nhưng, để đánh giá đúng về nhu cầu của thị trường, ông Tài phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu đặc thù địa phương, tiêu chí mua nhà ở và tiến tới gom hàng, chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng đẩy sản phẩm ra thị trường.
“Trung bình một ngày, văn phòng của chúng tôi ghi nhận 2 – 4 giao dịch thành công. Tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 10 – 20%”, ông Tài cho biết.
Cũng như ông Tài, ông Ngọc Lâm (một nhà đầu tư tại Phú Thọ) cũng đang gom hàng đất thổ cư tại các khu công nghiệp Thụy Vân, TP. Việt Trì,… Tuy nhiên, thay vì chiến thuật “gom nhanh, bán nhanh”, quan điểm kinh doanh của nhà đầu tư này là chờ đợi từ 1 – 3 năm mới ra hàng.
“Nếu lướt sóng, mức lời mà bạn nhận được chỉ rơi vào khoảng 10%. Nhưng nếu kiên nhẫn đợi chờ, tỷ suất sinh lời có thể 100%”, ông Lâm nói.
Những lưu ý khi đầu tư đất thổ cư vùng ven khu công nghiệp
Theo ghi nhận, làn sóng săn tìm đất thổ cư vùng ven khu công nghiệp đang gia tăng mạnh tại các tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng…
Đánh giá từ giới đầu tư cho hay, trong bối cảnh quỹ đất nội đô trở nên chật chội, sản phẩm dự án không còn mang đến biên độ co dãn tốt thì phân khúc đất thổ cư vùng ven sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Phân tích về tiềm năng của dòng sản phẩm này, ông Vũ Tài cho rằng, cuộc di cư của các nhà máy sẽ dịch chuyển về những khu công nghiệp tại Việt Nam. Nhu cầu về nhà ở của lượng công nhân, lao động kỹ thuật sẽ đẩy lực cầu gia tăng. Khi các sản phẩm nhà ở như chung cư chưa đa dạng, tâm lý sính đất vẫn còn vẹn nguyên, đất thổ cư có sổ đỏ sẽ đắt hàng.
“Mức giá từ 400 – 600 triệu đồng/lô khoảng 50 – 70m2 phù hợp với đối tượng, nhu cầu của người dân”, ông Tài cho hay.
Nhà đầu tư đi xem hàng.
Tuy nhiên, để cầm chắc bài toán kinh doanh thành công, nhà đầu tư cần phải đảm bảo các nguyên tắc khi bỏ vốn, bao gồm:
Thứ nhất, những lô đất thổ cư phải đảm bảo có sổ đỏ đầy đủ. Nắm chắc tiêu chí này, nhà đầu tư hoàn toàn an tâm vì rủi ro sẽ được hạn chế tối ưu.
Thứ hai, những lô đất thổ cư thuộc vị trí thuận lợi di chuyển tới những khu công nghiệp. Điều này sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản của lô đất.
Thứ ba, nhà đầu tư phải xem xét kỹ quy hoạch của vùng. Nếu lô đất nằm trong quy hoạch thì khả năng mất vốn rất lớn. Đối với các khu công nghiệp, quy hoạch về đường và hạ tầng vẫn còn thay đổi nhiều.
Thứ tư, nhà đầu tư phải đảm bảo về nguồn lực tài chính. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, nếu việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, lượng hàng bất động sản tồn nhiều, khả năng thanh khoản không nằm trong dự đoán, nhà đầu tư cần phải đảm bảo duy trì trong thời gian 1 – 3 năm.
Hải Nam