Tiết lộ từ giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán (CTCK) cho biết, ‘góc khuất’ của con số hàng trăm ngàn tài khoản CK mở mới trong thời gian qua không hẳn tất cả là nhắm tới thị trường cổ phiếu. Nhiều CTCK có ngân hàng (NH) mẹ đứng sau đang nỗ lực thuyết phục người gửi tiền mở tài khoản CK để chuyển khoản tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Giữ tiền và đầu tư
Làn sóng giảm lãi suất huy động đang lan rộng ở tất cả các NH thương mại, và hiện mức lãi suất 7% cho kỳ hạn trên 12 tháng đã biến mất ở bảng biểu chào lãi suất tiền gửi. Thậm chí lãi suất kỳ hạn 24 tháng ở một số NH chỉ còn trên dưới 6%/năm cho các món gửi nhỏ. Mặt bằng lãi suất này khiến việc để tiền tiết kiệm trông như một lựa chọn “ngu ngốc” ở thời điểm CK đang tăng bùng nổ, còn giá vàng thì lên thủng trần.
Về lý thuyết, lãi suất huy động thấp nhằm giảm tình trạng tiền mặt nằm “chết” trong tài khoản tiền gửi, giảm giá vốn cho các NH và từ đó cho vay rộng rãi hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Nhiều suy luận cũng cho rằng tiền tiết kiệm sẽ chảy sang lĩnh vực CK.
Chỉ riêng từ tháng 3-6 vừa qua, hệ thống của Trung tâm lưu ký CK (nơi quản lý các tài khoản đầu tư CK) đã ghi nhận 137.402 tài khoản mới do nhà đầu tư (NĐT) cá nhân mở. Rất có thể một bộ phận người gửi tiền đã điều hướng nguồn vốn sang kênh đầu tư này.
Nhưng đó không phải là tất cả. Thực tế đã chứng minh rằng những thời điểm trong quá khứ khi lãi suất huy động rất thấp, lượng tiền gửi của cư dân vào NH cũng không bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng.
Để giữ chân dòng vốn tiết kiệm, nhiều NH đã đẩy mạnh mảng dịch vụ hỗ trợ người gửi tiền chuyển sang đầu tư TP. Nếu như trước đây TP thậm chí là một kênh đầu tư nằm ngoài tầm với của cả NĐT cá nhân và chuyên nghiệp, thì lúc này mua TP chưa bao giờ dễ dàng hơn.
Đầu tư TP về mặt hình thức cũng đã hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, vì lãi suất cao hơn đáng kể. Lấy thí dụ TP VPL04202401 của CTCP Vinpearl phát hành ngày 17-4-2019 hiện đang được người bán chào lãi suất 9,39%/năm.
Một số TP của Masan, Núi Pháo cũng có lãi suất hơn 9,1%/năm… Thuyết phục người gửi tiền chuyển từ cho NH vay (dưới dạng khoản gửi tiết kiệm) sang cho doanh nghiệp vay (dưới dạng mua TP) không quá khó khăn, vì với kỳ hạn 3-5 năm tới, liệu rủi ro các doanh nghiệp như Vinpearl, Masan phá sản là bao nhiêu? Thậm chí nhiều TP kỳ hạn còn lại 12-14 tháng lãi suất cũng trên 7% tới 8%. Liệu trong 1 năm tới các doanh nghiệp này có không trả được nợ?
Một lợi thế rất lớn là nhiều NH cũng có CTCK nên việc liên thông giữa các tài khoản NH và tài khoản giao dịch dễ dàng. Số dư tài khoản tiết kiệm “nổi” ngay trong phần mềm giao dịch. Việc mở tài khoản CK thậm chí được tiến hành online hoàn toàn. Hàng loạt NH, CTCK cũng xây dựng phần mềm giao dịch riêng có thể sử dụng trên điện thoại thông minh.
Vẫn có rủi ro
Thị trường TPDN đã bùng nổ từ năm ngoái và giới đầu tư đã từng giật mình với các mức lãi suất khủng trên 20%/năm. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020, quy mô phát hành đã tăng lên một cấp độ mới. Theo số liệu tổng hợp của CTCK SSI, tổng lượng TPDN phát hành 6 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng lượng TPDN đang lưu hành ước khoảng 783.000 tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất.
SSI cũng ước tính lượng TPDN do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, NĐT cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng TPDN trên thị trường sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Với sự bùng nổ của thị trường TPDN và tốc độ tham gia rất nhanh của các NĐT cá nhân, rõ ràng là các NH và CTCK đã làm việc hiệu quả khi khai phá mảnh đất màu mỡ còn hoang sơ này.
Nếu như trước đây các lô TP thường rất lớn và chỉ phù hợp với tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, thì hiện tại các đại lý (NH, CTCK) đã chia nhỏ, thậm chí vài chục triệu đồng cũng đã có thể mua được. Kỳ hạn cũng được chia linh hoạt đến từng tháng để đáp ứng mọi nhu cầu ngắn hạn và dài hạn khác nhau.
Tính linh hoạt trong đầu tư TP cũng được các đại lý đảm bảo với cam kết mua lại hoặc tạo thị trường cho NĐT tự giao dịch với nhau hoặc thông qua môi giới. Nếu NĐT không muốn giao dịch thì việc nắm giữ đến thời điểm đáo hạn về hình thức cũng giống như việc gửi tiết kiệm kỳ hạn dài có lãi suất cao.
Các chuyên viên tư vấn TP của các đại lý khi tiếp cận khách hàng đều nhắm đến các yếu tố hấp dẫn nhất: Thương hiệu của doanh nghiệp phát hành đã được NH thẩm định, lãi suất cao đổ thẳng về tài khoản như một tùy chọn và đảm bảo khả năng rút vốn linh hoạt.
Do đặc tính của TP cũng là một khoản vay, có lợi nhuận cố định nên phù hợp với những người gửi tiền không muốn trở thành một NĐT mạo hiểm, mà chỉ nhằm mục đích giảm thiệt hại khi giữ tiền. Đó là nguồn vốn mà kênh đầu tư CK không chạm tới được.
Tuy tính mạo hiểm trong đầu tư TPDN thấp hơn nhiều so với đầu tư CK, nhưng không có nghĩa là phi rủi ro. Người gửi tiết kiệm sau một đêm bỗng biến thành “NĐT TP” và phần lớn vẫn mang tâm lý tin tưởng vào sự đảm bảo (dù chưa rõ ràng buộc pháp lý) của NH, tin vào thương hiệu của doanh nghiệp phát hành theo dạng “quá lớn để có thể phá sản”.
Bởi tính hấp dẫn của TP chủ yếu được nhìn vào mức lãi suất mà bỏ qua rủi ro thanh toán cũng như phí giao dịch phải trả. Nắm giữ TP đồng nghĩa với người gửi tiết kiệm sẽ là chủ nợ của doanh nghiệp, và NH không còn trách nhiệm pháp lý trong việc thanh toán khoản nợ đó.