Đây là nhận định của các chuyên gia CBRE khi đánh giá về tác động của Thành phố phía Đông lên thị trường bất động sản TPHCM.
Theo đó, CBRE đánh giá thông tin TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ thành lập “Thành phố phía Đông”, ngay lập tức đã có hiệu ứng với thị trường bất động sản khu Đông. Nhiều nhà đầu tư cũng nhận định đây là yếu tố kích hoạt thị trường tốt hơn và thu hút được dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư cá nhân.
Trên thực tế, khu Đông vốn được các chủ đầu tư đánh giá cao, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đều đã hội tụ về khu vực này. Ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hàng loạt doanh nghiệp nhanh chóng triển khai chiến lược đưa dự án mới ra thị trường, trong đó khu Đông TPHCM vẫn chiếm ưu thế về nguồn cung và giá chào bán.
khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng “tam giác vàng” TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Tại đây, các chủ đầu tư uy tín như Kiến Á, Vingroup, Capitaland, Keppel Land, Khang Điền, Nam Long, Hưng Thịnh Corp… đang triển khai hàng loạt dự án khu đô thị, khu dân cư với nhiều tiện ích, tạo nên một cộng đồng dân cư hiện đại.
Cùng quan điểm với CBRE, các chuyên gia kinh tế cũng cho biết so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng “tam giác vàng” TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như xa lộ Hà Nội, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, mở rộng các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh và Đồng Văn Cống… Trong đó, sân bay Quốc tế Long Thành, cầu Cát Lái, cầu Quận 9 đang được gấp rút triển khai sẽ tạo cho phía Đông của TPHCM một diện mạo hoàn toàn mới trong những năm sắp tới.
Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng việc sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các Khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh).
“TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình thành phố thuộc TPHCM trực thuộc Trung ương. Chọn vùng đất phía Đông là rất phù hợp vì khu vực này chưa phải đô thị cải tạo mà hiện là đô thị đang phát triển, còn nhiều dư địa, nhiều điều kiện để hạ tầng được xây dựng ngay từ đầu”, chuyên gia Nguyễn Minh Hoà cho biết thêm.
Các chuyên gia cho biết, việc xây dựng và quy hoạch phía Đông thành khu đô thị sáng tạo được kỳ vọng sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.
Được biết, mới đây trong buổi làm việc (trực tuyến) giữa Chính phủ với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ ủng hộ đề xuất nói trên của TPHCM. Khu đô thị này hình thành sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cả trình độ con người, nâng cao đời sống, tri thức của người dân TPHCM.
Ngoài Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất thành lập “thành phố trong thành phố” của TPHCM, đề nghị TPHCM sớm hoàn thành đề án cũng như hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý để Chính phủ cũng như các bộ ngành Trung ương xem xét quyết định.
Bí thư TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, động lực kinh tế của TPHCM cho 10 năm tới chính là khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM. Đây là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, hàng trăm ngàn sinh viên. Khi được thành lập, TPHCM phía Đông dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của TPHCM, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại và sẽ là “quả đấm kinh tế” của TPHCM
Tại khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM sẽ xây dựng những khu chức năng chính như: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm: Hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả khu vực quan trọng. Lối đi ở bờ sông và sân các nhà thờ kết nối đường phố, thông suốt cho các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, mua sắm.
Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: Hình thành khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn xung quanh sân vận động để hội tụ.
Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn: Xây nhà ga tàu điện ngầm ở phía Bắc của khu vực kết nối với tất cả khu trung tâm khác.
Trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TPHCM): Tập trung tri thức cho việc nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các công ty nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu.
Khu công nghệ sinh thái Tam Đa quận 9: Tập trung mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành. Những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái.
Khu đô thị tương lai Trường Thọ: Được cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận đến từng ngóc ngách, ưu tiên người đi bộ.