Chuyện Big C miền Đông có thể đóng cửa trong những ngày tới vì không thỏa thuận được giá thuê mặt bằng cho thấy, ngành bán lẻ tiếp tục vấp phải chướng ngại lớn từ bài toán thuê mặt bằng.
Big C miền Đông nằm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
“Giọt nước tràn ly”
Mới đây, thông tin nhà bán lẻ Central Retail (Thái Lan) phát đi thông cáo sẽ đóng cửa siêu thị Big C miền Đông (đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP.HCM) với lý do các đề xuất mới của bên cho thuê khiến đơn vị này không thể thực hiện được cam kết giá thấp cho người tiêu dùng.
Bình luận về sự việc trên, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam với dân số gần 100 triệu người cùng với hành vi tiêu dùng tích cực được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn với các nhà đầu tư phát triển trung tâm bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường đang có những khó khăn và thay đổi nhất định, khiến không ít thương hiệu lớn như Big C phải thu hẹp quy mô hoạt động.
“Yếu tố đầu tiên là ảnh hưởng của Covid-19 trong thời gian vừa qua. Thứ hai, các mô hình siêu thị, trung tâm thương mại đang bị cạnh tranh bởi thương mại trực tuyến – một xu thế mới nổi của ngành bán lẻ trong mùa dịch. Cuối cùng, sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ trong nước đang ngày càng gay gắt, trở thành đối thủ đáng gờm cho các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam”, ông Khương đánh giá.
Trong một diễn biến khác, Big C đang cố gắng đàm phán lại với phía cho thuê mặt bằng trước khi chính thức đóng cửa.
Thực ra, việc nhà bán lẻ đến từ Thái Lan có thể phải đóng cửa siêu thị Big C miền Đông vì không thỏa thuận được giá thuê cũng chỉ là “giọt nước tràn ly” khi mặt bằng cho thuê ở các quận trung tâm TP.HCM đã lên quá cao, cộng với tác động của Covid-19 khiến không ít nhà bán lẻ truyền thống điêu đứng.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh truyền thống đang đứng trước nhiều áp lực cạnh tranh hơn bao giờ hết. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, kể từ khi Covid-19 bùng phát đến lúc bước vào trạng thái bình thường mới, không ít chủ cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM đã trả mặt bằng vì giá cho thuê quá cao. Việc này tác động từ việc tăng giá bất động sản nói chung trước bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Theo quy luật cung – cầu, khi giá nhà đất tăng cao, thì các chủ nhà thường tăng giá cho thuê mặt bằng. Trong khi đó, do cạnh tranh cao về mặt bằng cho các dịch vụ như quán cà phê, nhà hàng, nên mức lợi nhuận của dịch vụ này giảm.
Hướng đi nào?
Theo bà Trần Thị Thu Hà, quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ của Savills Việt Nam, trong thời gian gần đây, thị trường chứng kiến sự ra đi hay đóng cửa chi nhánh của nhiều ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ, như Auchan, Parkson, Big C… Sự thất bại này có thể đến từ nhiều yếu tố.
Có thể, đây là sự thay đổi thị hiếu của người mua, sự cạnh tranh thị trường khi rất nhiều trung tâm mua sắm đã được xây dựng thành công với mô hình mới, hợp thời, bắt kịp xu thế cùng với các khách thuê, thương hiệu hấp dẫn…
Ngoài ra, có thể do sự cứng nhắc trong chiến lược phát triển, khiến các nhà đầu tư và vận hành các trung tâm mua sắm thương mại bị đứng lại phía sau, giảm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Các thương hiệu thời trang lớn trước giờ vẫn tập trung vào cả bán hàng trực tuyến và bán trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống, nhưng có một kết quả không thể phủ định là, đối với ngành thời trang (cao cấp, trung cấp, thương hiệu lớn), doanh số tại các cửa hàng vẫn chiếm ưu thế so với bán hàng trực tuyến, chiếm 70 – 80% tổng doanh thu.
Bà Trần Thị Thu Hà, Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ của Savills Việt Nam
Theo bà Hà, ngoại trừ một số ngành nghề khác đang vận dụng triệt để và tối ưu kênh trực tuyến, thì các thương hiệu thời trang vẫn đang phải cân bằng giữa các kênh trực tuyến và ngoại tuyến để tối đa hóa lợi nhuận khi kênh bán hàng tại cửa hàng vẫn đang chiếm ưu thế. “Đây chính là cơ hội dành cho các trung tâm thương mại và siêu thị bán lẻ có thể tồn tại và phát triển, đặc biệt ở dòng sản phẩm cao cấp và trung cấp”, bà Hà nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng bộ phận dịch vụ mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam cho rằng, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống khi giá mặt bằng cho thuê hiện nay rất cao, song lại tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử.
“Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp khả năng bán hàng đa kênh linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới”, bà Mai nhận định.
Theo Trọng Tín/Báo Đầu tư bất động sản