Trong tháng 6 , các quận chưa thể bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư để tiến hành triển khai tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Trong các cuộc họp về tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, luôn yêu cầu các quận có tuyến metro số 2 đi qua phải cơ bản bàn giao mặt bằng trong tháng 6.
Tuy nhiên, đến nay dự kiến khả năng bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 2 chỉ đạt khoảng 60%.
Bàn giao khoảng 60% mặt bằng trong tháng 6
Đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết trong tháng 6 các quận không thể bàn giao 100% mặt bằng như dự kiến.
Theo MAUR, đến thời điểm này, dự kiến trong tháng 6 các quận sẽ bàn giao khoảng 60% diện tích mặt bằng.
Trong đó, một số quận đã xong thủ tục bồi thường và bắt đầu nhận bàn giao mặt bằng từ người dân. Điển hình, trong hôm nay (19-6), UBND quận Tân Bình sẽ bàn giao khu đất xung quanh ga Tân Bình và ga ngầm khu đường Phạm Văn Bạch cho MAUR.
MAUR cho biết về nguyên tắc, đơn vị chỉ nhận bàn giao mặt bằng sạch từ các quận thì mới tiến hành khởi công dự án. Nếu trong tháng 6 các quận không thể bàn giao 100% mặt bằng thì MAUR cũng chưa thể khởi công dự án theo dự kiến.
Theo MAUR, quận 3 là một trong những địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh, song khâu cập nhật giá đất hiện nay hơi chậm khiến các quận khác bị ảnh hưởng.
MAUR cũng lường trước trường hợp các quận không thể bàn giao mặt bằng 100% thì đơn vị sẽ không thể tiến hành thủ tục song song khác (bao gồm công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, điện nước, viễn thông).
Tuy nhiên, MAUR cho hay nếu nhà ga nào ổn thì sẽ tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật trước. Đồng thời, đơn vị này sẽ tiến hành công tác đấu thầu và triển khai đồng bộ từ quý III-2020.
Sang quý III-2021, MAUR sẽ tiến hành ký hợp đồng với các nhà thầu chính, sau đó chính thức khởi công các hạng mục chính.
Trước đó, UBND các quận cũng hứa theo tiến độ đến tháng 6 sẽ xong các thủ tục và tiến hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng còn nhiều khó khăn. Thủ tục chi trả bồi thường trong tháng 6 sẽ xong nhưng việc bàn giao thì có thể kéo dài hơn.
Đại diện UBND quận 12, đơn vị có tuyến metro số 2 đi qua, cho biết tiến độ giải phóng mặt bằng của quận sẽ cố gắng hoàn thiện, bàn giao mặt bằng cho MAUR trong tháng 6 này.Hiện quận này đã làm việc với tất cả trường hợp bị ảnh hưởng bởi tuyến metro số 2, về cơ bản các hộ dân đều đồng tình.
Rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1
Đại diện MAUR cho biết khó khăn về giải phóng mặt bằng sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy như kéo dài tiến độ dự án, không thể di dời hạ tầng kỹ thuật… Đặc biệt, nếu đấu thầu xong mà không có 100% mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thì khả năng khiếu kiện, đòi chi phí phát sinh cũng rất nhiều.
“Đó chính là bài học kinh nghiệm cho chính chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có mặt bằng 100% để bàn giao cho nhà thầu chính, tránh phát sinh các chi phí không cần thiết” – đại diện MAUR nêu quan điểm.
Tại các buổi làm việc với đại diện các sở, ngành, quận, huyện và MAUR về tiến độ giải phóng mặt bằng metro 2, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, luôn yêu cầu các đơn vị cần rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1.
Theo đó, các đơn vị thực hiện đồng bộ các công tác liên quan để có mặt bằng sạch cho dự án trước khi triển khai các hạng mục công việc chính.
Ngoài ra, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng cũng rất quan trọng nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1. Trong đó, chủ đầu tư cần có kế hoạch đối với tuyến giao thông đô thị này, tránh bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Theo ông Sơn, cơ quan chức năng có thể khai thác tối đa tiềm năng từ quỹ đất dọc tuyến metro số 2, điều mà tuyến metro số 1 từng bỏ lỡ.
“Để làm được điều này, chúng ta cần làm quy hoạch dọc tuyến metro với bán kính 500-1.000 m. Đó cũng chính là phương án chỉnh trang đô thị và nguồn thu ngân sách để xây dựng tuyến giao thông này” – ông Nam Sơn góp ý.
Tổng chiều dài của tuyến đường sắt đô thị này là hơn 11 km; bao gồm 9 km ngầm và 2 km trên cao, với 10 nhà ga (chín ga ngầm, một ga trên cao). Tổng kinh phí đầu tư toàn dự án gần 48.000 tỉ đồng.
Dự kiến cuối năm 2026 tuyến metro số 2 sẽ đi vào hoạt động. Ước tính khi đi vào hoạt động giai đoạn 1 sẽ vận tải được 140.000 hành khách/ngày; giai đoạn 2 ước đạt khoảng 400.000 hành khách/ngày.