Hiện nay nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm 20-30%, trong khi nhu cầu về phân khúc nhà hở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70- 80% thị trường.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết hiện nay vẫn đang có sự mất cân đối trong quan hệ cung-cầu bất động sản. Mặc dù nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa khoảng 70-100 triệu m2 sàn, nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Cụ thể, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm 20-30%, tùy từng địa phương, đô thị cụ thể. Trong khi nhu cầu về phân khúc nhà hở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70- 80% thị trường. Chính vì thế, hiện đang thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng hơn 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Trước thực tế nêu trên, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết Bộ Xây dựng đang xây dựng để trình Chính phủ về cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Nếu được ban hành, cơ chế chính sách này sẽ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp tại đô thị.
Theo đó, dự thảo đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở thương mại giá thấp như căn hộ dưới 70m2, giá bán trên dưới 20 triệu đồng/m2… Như vậy, mỗi căn hội 50-60m2 chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn; hoặc căn 70m2 chỉ tối đa khoảng 1,4 tỷ đồng/căn…
“Trường hợp những người nghèo, thu nhập thấp đã có tiền tích lũy một phần rồi, có thể vay thêm từ ngân hàng, người thân… để mua hoặc thuê nhà. Trường hợp người nghèo ở đô thị chưa có tiền mua nhà thì có thể thuê nhà để ở,” ông Ninh nói.
Tuy nhiên, ông Ninh cũng lưu ý, người nghèo, thu nhập thấp ở đô thị muốn tiếp cận nhà ở xã hội, ngoài việc phải có tiền còn phải đáp được đủ những điều kiện theo quy định đối tượng được ưu tiên mua loại nhà này./.