“An cư, lạc nghiệp”, câu nói ai cũng hiểu này hiện không chỉ là thế bí của hàng vạn công nhân mà còn của các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi các khu công nghiệp hiện hữu.
Hơn 10 năm làm công nhân ở Bắc Ninh, sau đó chuyển lên Samsung Thái Nguyên, anh Nguyễn Văn Lâm, quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã thuộc hàng cựu trào. Tuy nhiên, hiện anh vẫn đi thuê phòng trọ hơn 30m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, chỗ sinh hoạt, ăn ngủ cho ba người gồm vợ chồng và cô con gái nhỏ tại phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên). Sau 10 năm tích góp, với tổng thu nhập 15 triệu đồng, vợ lại là người Thái Nguyên nên anh quyết định tìm chốn an cư ở địa phương này.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Lâm cho biết, hiện tại gia đình có nhu cầu mua nhà ở giá rẻ cho công nhân, nhưng trên địa bàn không có, chưa nói đến các gói hỗ trợ chả thấy đâu. Thời gian trước đây, khi nghe tin gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội, anh cũng không thể tiếp cận được. Trong khi đó, khu ký túc xá của công ty lại không hỗ trợ hộ gia đình sinh sống.
Bàn bạc, suy nghĩ, anh chị mạnh dạn vay mượn, quyết mua nhà ở thương mại để chấm dứt cảnh ở trọ. Tuy nhiên, khi liên hệ thì được biết ở Thái Nguyên chỉ có chung cư của Tập đoàn Tiến Bộ là trong tầm giá có thể mua, nhưng còn e ngại vì nhiều người bàn ra tán vào về chất lượng. Trong khi các dự án chung cư khác như Tecco Thái Nguyên, Thái Nguyên Tower… giá căn hộ đều trên 1 tỷ đồng/căn. Vậy nên, một lần nữa anh chị lại thất vọng và tiếp tục chờ đợi.
“Giờ cũng đành phải chờ. Vài năm nữa, con bé này lớn lên, nhà lại có kế hoạch sinh thêm cháu nữa thì chắc gia đình tôi phải về quê sinh sống”, anh Lâm thở dài.
Ảnh minh họa.
Câu chuyện của vợ chồng anh Lâm và việc khan hiếm nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho người lao động khu công nghiệp ở Thái Nguyên chỉ là một điển hình trong rất nhiều câu chuyện tương tự tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trả lời phỏng vấn, ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc cho biết: “Thiên Lộc đã có kế hoạch phát triển dự án nhà ở đển bán, cho thuê đối với đối tượng là các công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên. Tuy nhiên, chúng tôi còn đang vướng vì cơ chế phát triển, nhất là quỹ đất sạch phát triển dự án. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân, cần phải thông suốt về cơ chế chính sách để khuyến khích nhà đầu tư”.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, các khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ, tổng diện tích 2.350.000m2. Đồng thời, đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích 4.525.000m2. Thế nhưng, số lượng căn hộ trên chưa thể đáp ứng được cho 3,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước.
Bộ Xây dựng cho biết, sở dĩ nhiều khu công nghiệp không đáp ứng được nhà ở cho công nhân là do việc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ…). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở.
Nguyên nhân là chưa có cơ chế chính sách cụ thể đầu tư từ ngân sách để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, trong khi ngân sách địa phương hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, đa số cơ sở văn hóa, trường học phục vụ con em người lao động tại các khu công nghiệp đã được đầu tư đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất chất lượng thấp, môi trường học tập, giảng dạy đơn sơ, vị trí cơ sở không phù hợp quy hoạch, quy mô chưa thích hợp.
Bài toán đặt ra là tới đây, khi Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào sẽ dẫn đến nhu cầu nhân lực (công nhân) cho các khu công nghiệp rất lớn, trong khi nhà ở cho công nhân hiện đã thiếu hụt. Đây là một thách thức rất lớn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Đề án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn theo Báo cáo số 111/BC-TLĐ ngày 12/12/2019 của cơ quan này hiện đang thực hiện thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại Hà Nam và Tiền Giang. Hiện đã có 40 địa phương bố trí quỹ đất để đầu tư thiết chế công đoàn, mỗi khu đất có diện tích trung bình từ 3 – 5ha.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, để cùng cả nước chuẩn bị tốt nhất nhân lực, vật lực đón làn sóng FDI, ngành xây dựng trước hết sẽ sửa đổi chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong Nghị định 100 của Chính phủ. Đồng thời, làm việc với các bộ, ngành có liên quan để thúc đẩy phân bổ nguồn vốn cho nhà ở xã hội năm 2020 mà Chính phủ giao.
Theo Nhất Nam/Báo Đầu tư Bất động sản