Kusto Group, công ty có trụ sở tại Singapore và là cổ đông đang sở hữu 17,55% vốn của Tập đoàn xây dựng Coteccons, vừa phát đi thông báo yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường sau những mâu thuẫn kéo dài liên quan đến vấn đề lợi ích trong trong cách thức điều hành của ban lãnh đạo Coteccons.
Trong thông cáo báo chí đưa ra, Kusto dứt khoát yêu cầu các thành viên chủ chốt trong HĐQT và Ban giám đốc của Coteccons bao gồm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT và Tổng giám đốc Coteccons), và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Giám đốc) ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons.
Chỉ vài ngày sau thông báo của Kusto Group, Công ty The 8th Pte Ltd (The8th), một cổ đông khác cũng có có trụ sở tại Singapore và đang nắm giữ 10,42% cổ phần Coteccons, đã gửi thư yêu cầu bãi nhiệm tư cách là thành viên HĐQT của ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công.
Cả Kusto và The8th đều cho rằng có nhiều lợi ích đáng ra thuộc về Coteccons đang bị mất vào tay nhóm công ty tuy trên danh nghĩa nằm trong “Coteccons Group” nhưng thực chất là những công ty có cổ phần của một số người trong ban lãnh đạo hiện nay của Coteccons.
Kusto đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005, bắt đầu với tên gọi Công ty quản lý đầu tư BTA. Dự án lớn mà Kusto đầu tư là Công ty bất động sản Bình Thiên An – chủ đầu tư của dự án Đảo Kim Cương – Diamond Islands tại quận 2, TPHCM. Chủ tịch của Kusto Việt Nam là ông Trịnh Thanh Huy, doanh nhân từng kinh doanh ở Đông Âu.
Năm 2012, Kusto đầu tư 520 tỉ đồng vào Coteccons đổi lấy 25% cổ phần với mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Từ năm 2014, nhóm Kusto đã liên tục tăng sở hữu tại Coteccons thông qua công ty “chân gỗ” là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công.
Hiện tại, nhóm những nhà đầu tư liên quan đến Kusto đang nắm giữ ít nhất gần 35% quyền biểu quyết của Coteccons bao gồm Kustocem nắm giữ 18,2%, Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm giữ 14,6%, Talgat Turumbayev – thành viên HĐQT Coteccons nắm giữ 2,1%.
Kusto Group là một tập đoàn tư nhân quốc tế đa ngành, với các lãnh đạo chủ chốt đều đến từ Đông Âu. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Kusto Group là ông Yerkin Tatishev, doanh nhân sinh năm 1976 đến từ Kazakhstan. Ba nhà đồng sáng lập khác là Daulet Nurzhanov, thành viên HĐQT Kusto Group, giám đốc điều hành Kusto Agro; ông Kanat Kopbayev và ông Talgat Turumbayev, thành viên HĐQT Kusto Group. Tất cả là doanh nhân đến từ Kazakhstan. Các thành viên khác trong ban lãnh đạo của Kusto Group hầu hết đều đến từ Đông Âu.
Ban lãnh đạo Kusto Group. Nguồn: Kusto Group
Sinh năm 1976, Yerkin Tatishev, Chủ tịch Kusto Group, trưởng thành sau sự sụp đổ của Liên Xô ở Kazakhstan. Yerkin đã tập hợp một nhóm bạn cùng chí hướng vào năm 1998 để bắt tay vào một loạt các dự án quản lý nhằm xoay quanh các tài sản khai thác của nhà nước ở Liên Xô cũ, bắt đầu từ quê hương Kazakhstan của ông.
Yerkin Tatishev – Chủ tịch Kusto Group. Ảnh: Forbes
Theo giới thiệu trên website của Kusto Group, các đối tác của Kusto bao gồm Eric Flamholtz, nhà sáng lập của Management Systems Consulting Corporation, người được biết đến như là nhà chiến lược tạo ra hiện tượng phát triển của Starbucks vào những năm 1990; ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Ngân hàng Techcombank; ông George Ramishvili – Chủ tịch và nhà sáng lập của Silk Road Group.
Đối tác của Kusto Group. Nguồn: Kusto Group
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, từng tốt nghiệp cử nhân ngành điện tử tại trường Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Tại thị trường Nga, ông Hùng Anh chọn lĩnh vực mì gói và tương ớt để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Đến năm 1990, ông bắt đầu kinh doanh hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu. Techcombank ban đầu được thành lập vào năm 1993 bởi một nhóm trí thức trở về từ Đông Âu. Ông Hồ Hùng Anh chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ năm 2008 cho đến nay.
Trong khi đó, Silk Road Group được thành lập năm năm 1997 bởi George Ramishvili tại Georgia – quốc gia nằm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là điểm nối Đông Âu và Tây Á – ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Tập đoàn này không chỉ chuyên về phát triển bất động sản mà còn vận chuyển các sản phẩm dầu thô và tinh chế bằng đường sắt từ Kazakhstan sang các nước khác, sau này mở rộng sang các lĩnh vực khác như viễn thông. Silk Road Group sở hữu Silknet, nhà cung cấp truyền hình cáp cố định, băng thông rộng và IPTV lớn nhất tại Georgia cùng với GeoCell, mạng điện thoại di động Georgia.
Năm 2017, một bài báo trên tờ New Yorker đã hé lộ về việc kinh doanh của Tổng thống Donald Trump cùng với Tập đoàn Silk Road.
Tuy nhiên, sau đó, ông Giorgi Rtskhiladze, giám đốc điều hành của Silk Road Group tại Mỹ đã khẳng định với tờ CNBC rằng bài báo của New Yorker về việc kinh doanh của ông Trump cùng với Silk Road Group là hoàn toàn sai sự thật.
Ông Donald Trump (trái) và George Ramishvili, Chủ tịch Silk Road Group nói chuyện sau một cuộc họp báo ở New York ngày 10/3/2011. Ảnh: AP
Bài báo của New Yorker, được xuất bản vào tháng 8/2017, tiết lộ chi tiết thỏa thuận của ông Donald Trump với Silk Road Group trong dự án xây dựng các khu chung cư sang trọng ở thị trấn ven biển Batumi, Georgia. Bài viết cũng nói về mối quan hệ bị nghi ngờ giữa Silk Road Group và Ngân hàng BTA Bank (Kazakhstan) trong các cáo buộc gian lận và rửa tiền.
Mặc dù đã đạt được thỏa thuận cấp phép cho tòa nhà, thương vụ này đã kết thúc vào năm 2017 khi ông Trump trở thành tổng thống.
“Đây là một thực tế mới. Ông Trump trở thành tổng thống. Đó là một tình huống khác và chúng tôi đã đồng ý dừng hợp đồng này”, ông George Ramishvili, CEO của tập đoàn, nói với CNBC
Mối quan hệ giữa BTA Bank và Silk Road đã kết thúc vào năm 2008. Mặc dù ông Trump không còn tham gia vào thương vụ này nữa, Silk Road Group tuyên bố họ sẽ tiếp tục các kế hoạch cho tòa tháp và giữ nguyên kiến trúc mà ông Trump đã phê duyệt.
https://cafeland.vn/tin-tuc/the-luc-kusto-group-doi-dau-voi-coteccons-87955.html