Năm 2020, thị trường bất động sản không có nhiều chuyển biến tích cực vì dịch Covid -19. Vậy đâu là giải pháp cho thị trường bất động sản khởi sắc sau khi dịch Covid -19 được tuyên bố kết thúc.
Theo Vietnam Report, cơ hội của thị trường bất động sản năm 2020 đến từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, những động thái của Chính phủ về chính sách – pháp lý, tiêu biểu như giải quyết những vướng mắc tồn đọng trong các dự án từ 2019 trở về trước, quy trình thủ tục được cải thiện thuận tiện hơn; những quy định chính thức về condotel – officetel; sự quyết liệt của chính quyền Trung ương và địa phương trước những vi phạm. Những yếu tố này tạo động lực mới cho thị trường phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn.
Dù dịch bệnh Covid-19 là bất ngờ và chỉ có tác động trong ngắn hạn nhưng Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để thị trường bất động sản có thể hồi phục tốt sau dịch bệnh với một loạt các chính sách ưu đãi được ban hành bao gồm giảm thuế, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và gói hỗ trợ tín dụng cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thứ hai, các chủ đầu tư Việt Nam với năng lực ngày càng lớn mạnh, linh hoạt hơn khi sẵn sàng đa dạng cơ cấu vốn, đầu tư chú trọng hơn vào chất lượng.
Thứ ba, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI năm 2019 vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thứ tư, xu hướng hồi hương tránh dịch Covid-19 của kiều bào. Lượng kiều hối của Việt Nam ba năm liên tiếp trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với 16,7 tỷ USD trong năm 2019, 15,9 tỷ USD năm 2018 và 13,8 tỷ USD năm 2017 theo đường chính thức. Trong đó, hơn 20% lượng kiều hối dành cho lĩnh vực bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) chia sẻ, bắt đầu từ tháng 5, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu đang bật dậy mạnh mẽ. Tỉ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên khoảng gần 6 lần. Tỉ lệ tiêu thụ được trong tháng 5 so với tháng 4 tăng lên gấp 15 lần. Qua đó có thể thấy, khả năng phục hồi của thị trường khá cao nếu được tháo gỡ thêm các khó khăn.
Theo ông Châu, nếu không kịp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thị trường TPHCM có thể phải đối mặt với tình trạng chảy dòng vốn đầu tư về các tỉnh, ảnh hưởng nguồn cung thu ngân sách.
Ông Châu cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất chính là khan hiếm dự án, sản phẩm. Cụ thể, nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch nhưng giá bất động sản thời gian qua không vẫn không giảm.
“Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án bất động sản uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Quế Sơn