Ảnh minh họa/Ngọc Thủy
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Một ngày sau đó, 23/4, cả nước chính thức gỡ bỏ giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái “bình thường mới”.
Nhưng từ đó đến nay, tăng trưởng tín dụng gần như giẫm chân tại chỗ. Nguyên do không hẳn chỉ từ phía ngân hàng.
Tốc độ, từ một phía
Cập nhật gần nhất, tính đến ngày 29/5, tăng trưởng tín dụng mới chỉ 1,96% so với cuối 2019, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây, và chỉ nhích nhẹ so với mức 1,31% cuối tháng 3/2020.
Mức tăng trưởng rất thấp đó rơi vào quãng thời gian nền kinh tế bắt đầu trở lại sau giãn cách xã hội, kiểm soát thành công dịch Covid-19. Mặc dù trước đó và cho đến nay toàn hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc toàn diện.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trước khi có các chính sách và quy định pháp lý hỗ trợ, hệ thống ngân hàng đã có đợt cắt giảm lãi suất cho vay, trong đó có cấu phần dư nợ hiện hữu.
Hơn một tháng sau khi dịch bùng phát, Thông tư 01 được xây dựng và nhanh chóng ban hành, có hiệu lực ngay từ 13/3.
Ít ngày sau đó, ngày 17/3, NHNN đồng loạt giảm các lãi suất điều hành. Các ngân hàng thương mại tạo đợt giảm lãi suất cho vay thứ hai kể từ đầu năm, với hầu hết các thành viên tham gia.
Đến 13/5, thêm một đợt giảm lãi suất nữa được NHNN thực hiện. Đây là tần suất chưa từng có trong cả thập kỷ qua, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mà trước đó, trước khi có dịch Covid-19, NHNN cũng đã hai lần giảm các lãi suất điều hành trong năm 2019, tháng 9 và tháng 11.
Cho đến nay, các ngân hàng thương mại đã thực hiện ít nhất ba đợt giảm lãi suất cho vay diện rộng, tính từ đầu năm.
Cùng với giảm lãi suất, hơn 1.000 tỷ đồng phí dịch vụ được các nhà băng cắt giảm.
Thế nhưng, nhìn lại, trong khi hệ thống các TCTD vào cuộc nhanh, cụ thể hóa các hỗ trợ, thì cho đến nay đề nghị các đầu mối khác cùng đồng hành, chia sẻ thì vẫn chưa có thông tin trả lời. Ví như, phí dịch vụ tin nhắn các nhà mạng mà các ngân hàng đề nghị giảm; hay nhiều loại phí các tổ chức quốc tế như Visa, MasterCard vẫn thu ở mức cao mà việc đóng thuế tại Việt Nam ít được nói đến…
Ở một hỗ trợ khác, tính đến 25/5, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5%/năm so với trước dịch.
Theo đó, ít nhất có hơn 223 nghìn khách hàng tránh được rủi ro vướng nợ xấu, tránh được tình huống “có vết” mà khó tiếp cận khoản vay mới để phục hồi sau dịch Covid-19.
Hệ thống ngân hàng đã vào cuộc như vậy, nhưng, như trên, tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. Cung – cầu vốn chưa thể hiện được sự phục hồi, trước khi hướng đến sự phục hồi thực sự của nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. Vì, trước hết, tín dụng vẫn luôn là một nguồn lực đầu vào để thúc đẩy cho một sự phục hồi nào đó sau đó của nền kinh tế khi khó khăn.
Theo lý giải của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại họp báo cuối tuần qua, một nguyên do chính là cầu tín dụng vẫn thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, sự vào cuộc, tốc độ xử lý các vướng mắc cũng như sự sẵn sàng về nguồn vốn, các gói cho vay quy mô lớn hệ thống đưa ra mới chỉ là từ một phía.
Quan điểm và linh hoạt hơn
Ở phía còn lại là sức cầu và điều kiện đáp ứng. Covid-19 làm suy giảm cả nhu cầu và điều kiện tiếp cận tín dụng của nhiều doanh nghiệp. Một mặt nhu cầu vay vốn cũng cần phục hồi dần theo triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh. Còn mặt khác, nếu ngân hàng hạ tiêu chuẩn, khả năng tiếp cận mở rộng hơn, tăng trưởng tín dụng có thể đã có con số “thành tích”.
Nhưng, tại hội nghị trực tuyến nói trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nêu rõ quan điểm: “Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp nhưng không được hạ tiêu chuẩn cho vay, tránh hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế”.
Quan điểm đó được thống nhất, Phó thống đốc Đào Minh Tú và Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã lần lượt diễn giải cụ thể tại hội nghị kết nối với doanh nghiệp, hay tại họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua…
Trước nữa, báo cáo Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nêu thực trạng: “Cầu tín dụng hiện ở mức thấp. Mặc dù các TCTD đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi có quy mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm”.
Ở hướng hỗ trợ, trong báo cáo trên, Thống đốc kiến nghị đối với Chính phủ: “Cần cân nhắc thận trọng đề xuất cung cấp các khoản vay ưu đãi lãi suất thông qua NHTM do thực tế triển khai chính sách hỗ trợ từ năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế, tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ, gây sức ép lên lãi suất, tỷ giá và lạm phát, thậm chí có thể phát sinh các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Thay vì ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất có thể xem xét giảm thuế cho các đối tượng cần thiết”.
Có thể thấy kiến nghị trên có hàm ý, bên cạnh chính sách tiền tệ và sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại, cần có sự hỗ trợ kịp thời hơn nữa từ chính sách tài khóa, thương mại, kích cầu và thúc đẩy đầu tư công… để cùng tạo nguồn lực cộng hưởng và lan tỏa hỗ trợ hướng phục hồi.
Khi phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và mở rộng, cầu tín dụng từ doanh nghiệp có thêm cơ sở để gia tăng.
Trước khi có được điều đó, khó khăn từ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa dừng lại. Thực tế, sau khi tiếp xúc với doanh nghiệp qua chương trình kết nối tại 14 tỉnh thành nói trên (những địa bàn có dư nợ lớn), chính NHNN nhận thấy cần phải tiếp tục linh hoạt thêm ở chính sách hỗ trợ.
Theo đó, nhiều khả năng NHNN sẽ sớm có quyết định mở rộng phạm vi hỗ trợ doanh nghiệp ở Thông tư 01. Phạm vi ở đây có liên hệ chặt với nhu cầu vay vốn mới.
Dự kiến ngày 12/6 tới, Nhịp sống Doanh nghiệp (BizLIVE) cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme) sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Nối lại cung – cầu vốn, tiếp sức phục hồi”.Tham dự tọa đàm có các chuyên gia kinh tế, tài chính, chứng khoán và đại diện các doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng thương mại, cùng các nhà báo và phóng viên, bạn đọc quan tâm.
Nội dung tọa đàm sẽ tập trung trao đổi từ thực tiễn các ngân hàng thương mại đang triển khai các giải pháp, chương trình hỗ trợ khách hàng; những vướng mắc và yêu cầu đặt ra đối với và từ doanh nghiệp để hồi phục sản xuất kinh doanh; nhìn lại vai trò cầu nối thị trường vốn, với diễn biến đã thể hiện trên thị trường chứng khoán cùng dự báo; thị trường trái phiếu doanh nghiệp với hướng đi mới trong huy động vốn… |
MINH ĐỨC
Nguồn: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/tai-chinh/noi-lai-cung-cau-von-ngan-hang-thong-nhat-quan-diem-va-lam-3545961.html