Trong tuần giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của 18 cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 50.800 tỉ đồng, tương ứng 5,5%. Thanh khoản đạt hơn 460 triệu cổ phiếu, tăng 46% về khối lượng và tăng 36% về giá trị giao dịch so với tuần trước.
SHB tuần thứ hai liên tiếp dẫn đầu tăng giá
Tính chung trong 5 ngày giao dịch tuần qua (1/6 – 5/6), số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm áp đảo với 16/18 mã niêm yết. Trong đó, SHB tiếp tục là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất ngành (tăng 14,3%). Thị giá SHB tiếp tục xu hướng hồi phục sau khi giảm sâu vào trung tuần tháng 5. Trước đó, giá cổ phiếu này cũng đã tăng 6,1% trong tuần giao dịch 25/5 – 29/5.
Ngoài SHB, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh trong tuần như HDB tăng 13,6%, LPB tăng 11,4%, ACB tăng 10%,…
Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần qua gồm có KLB (giảm 2,1%) và BAB (giảm 0,5%).
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 50.800 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 971.300 tỉ đồng, tăng hơn 50.804 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 29/5), tương ứng tăng 5,5%.
Tuần qua, vốn hóa một loạt ngân hàng tăng mạnh như Vietcombank tăng gần 14.100 tỉ đồng, BIDV tăng 8.044 tỉ đồng, VietinBank tăng 7.260 tỉ đồng, ACB tăng hơn 3.820 tỉ đồng..
Đóng cửa ngày 29/5, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, ở mức 330.090 tỉ đồng và bỏ xa hai ngân hàng đứng kế sau là BIDV (vốn hóa 169.327 tỉ đồng) và VietinBank (vốn hóa 91.037 tỉ đồng).
Với mức vốn hóa hiện tại, Vietcombank đã vượt Vingroup (vốn hóa 321.331 tỉ đồng) để trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HoSE.
Ngược lại, VietBank, NCB và Kienlongbank tiếp tục là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 5.908 tỉ đồng, 3.568 tỉ đồng và 3.075 tỉ đồng.
Thanh khoản toàn ngành tăng gần 46%
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có tổng cộng hơn 460 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 7.980 tỉ đồng; tăng gần 46% về khối lượng và tăng gần 36% về giá trị so với tuần trước.
LPB là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành trong tuần qua với gần 73,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 576 tỉ đồng. Trong đó, có gần 37 triệu cp LPB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận, chiếm hơn 50%.
Xếp tiếp sau LPB về thanh khoản lần lượt là STB với 71,4 triệu cp, SHB gần 62 triệu cp, MBB hơn 53,7 triệu cp,…
Ở chiều ngược lại, TPB, VBB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành lần lượt ở mức 1,46 triệu cp, 9.500 cp và hơn 3.100 cp.
Thanh khoản LPB tăng vọt
Trong tuần qua, 11/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản LPB tăng mạnh nhất với gần 73,2 triệu cp được trao tay, gấp hơn 5 lần khối lượng giao dịch trong tuần trước.
Bên cạnh LPB, thanh khoản của nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh trong tuần qua như EIB (29,2 triệu cp, gấp 2,4 lần tuần trước), HDB (hơn 7 triệu cp, tăng 75,6%), ACB (hơn 37,8 triệu cp, tăng 69,4%)….
Ngược lại, có 7/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch của VBB giảm 87,7% với chỉ hơn 9.500 cp được mua bán. Cùng với VBB, thanh khoản của KLB, TPB, VCB, BID và BAB cũng giảm hơn 20% trong tuần.
Hơn 105 triệu cp ngân hàng được giao dịch thỏa thuận trong tuần
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 354,6 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 6.451 tỉ đồng, chiếm 77% về khối lượng và 81% về giá trị.
Hơn 105,4 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.530 tỉ đồng. Trong đó, LPB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn gần 37 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này.
Bên cạnh LPB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra “nhộn nhịp” tại nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như EIB (gần 27,6 triệu cp), SHB (hơn 23,4 triệu cp), TCB (gần 6,3 triệu cp), VPB (hơn 5,8 triệu cp)…
Sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,96%
Theo thông tin cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 29/5, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019, thanh khoản hệ thống thông suốt. Cùng với đó, dưới tác động của dịch COVID-19, nhu cầu tín dụng tăng thấp, tín dụng chỉ tăng trưởng 1,96%.
Lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp lịch sử
Theo số liệu của bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng đã xuống mức thấp nhất lịch sử vào cuối tuần trước. BVSC cho rằng trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng trở lại, NHNN ít có khả năng giảm thêm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động trong năm nay.
ACB muốn chuyển sàn sang HOSE, tăng vốn điều lệ lên hơn 21.600 tỉ đồng
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ACB dự kiến trình cổ đông thông qua việc chuyển đăng kí niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE. Đồng thời, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 21.615 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 30%.
Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 13.000 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng 13% trong năm 2020
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên, năm 2020 Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 13.000 tỉ đồng, tăng 1%. Tỉ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 3%.
Ngân hàng dự kiến dư nợ tín dụng 291.586 tỉ đồng, tăng trưởng 13% hoặc cao hơn trong hạn mức NHNN cho phép.
Huy động vốn đạt 268.820 tỉ đồng, tăng trưởng 13%. Tổng tài sản 431.483 tỉ đồng, tăng trưởng 12% so với cuối năm 2019.
Sacombank thông qua kế hoạch lợi nhuận giảm 20% so với năm trước
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020, Sacombank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận 2.573 tỉ đồng, giảm 20% so với năm trước do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh khả quan, HĐQT sẽ điều chỉnh để đạt kế hoạch lợi nhuận bằng với năm 2019.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng