Ngoài lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép, nông nghiệp trở thành mũi nhọn của Tập đoàn Hòa Phát trong quý I với mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 400%.
Trong quý I, Tập đoàn Hòa Phát báo cáo doanh thu thuần đạt 19.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ. So với cùng kỳ 2019, hai chỉ tiêu kinh doanh của Hòa Phát tăng trưởng 28%.
Ngoài lĩnh vực cốt lõi là sản xuất và kinh doanh thép chiếm hơn 80% nguồn thu của tập đoàn, doanh nghiệp gang thép lớn nhất Việt Nam còn một mũi nhọn khác đóng góp vào tăng trưởng là nông nghiệp.
Lợi nhuận gấp 5 lần cùng kỳ
3 tháng đầu năm, mảng nông nghiệp đóng góp tỷ trọng 15% doanh thu của Hòa Phát, tương ứng doanh số 2.800 tỷ đồng. So với quý I/2019, doanh thu nông nghiệp của tập đoàn này tăng 60%.
Đặc biệt, bộ phận nông nghiệp đóng góp lợi nhuận thuần sau thuế 480 tỷ đồng cho doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Đình Long, tăng trưởng hơn 400%. Tính bình quân theo ngày, lãi từ nông nghiệp của công ty khoảng 5,4 tỷ đồng. Lợi nhuận của mảng nông nghiệp tại Hòa Phát trong riêng quý I đã bằng 86% mức lãi ròng 560 tỷ cả năm 2019.
Trong khi đó, lợi nhuận từ mảng thép tăng 20%. Hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh bất động sản của tập đoàn này thậm chí còn đi lùi, tăng trưởng lợi nhuận ở mức âm.
“Vua thép” Trần Đình Long bắt đầu tham gia làm nông nghiệp từ năm 2015 với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, gia súc, gia cầm. Đến năm 2019, mảng nông nghiệp của Hòa Phát bắt đầu hái quả với doanh thu gần 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 72%, đóng góp tỷ trọng 12% tổng nguồn thu tập đoàn.
Doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát cao hơn cả một số thương hiệu có bề dày trong ngành như Dabaco, Vissan.
Báo cáo thường niên 2019 của Hòa Phát cho biết sản lượng tiêu thụ bò Úc của công ty hiện chiếm trên 50% thị phần toàn quốc với vị thế nhà cung cấp số một trên cả nước. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn dẫn đầu về thị phần cung cấp trứng gà tại phía Bắc với sản lượng 450.000 quả/ngày.
Mục tiêu của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ đạt tối đa công suất 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 450.000 đầu heo thương phẩm/năm; 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.
Chi hơn 5 tỷ mỗi ngày trả lãi vay
Đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Hòa Phát là 107.000 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp 57.000 tỷ, tăng thêm 3.000 tỷ trong kỳ.
Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của tập đoàn tăng mạnh từ 16.800 tỷ lên 21.100 tỷ đồng trong 3 tháng. Ngoài ra, Hòa Phát tăng vay dài hạn từ 19.800 tỷ lên 20.200 tỷ đồng.
Việc dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng tổng cộng hơn 4.000 tỷ đồng khiến chi phí lãi vay của công ty ông Trần Đình Long trong kỳ tăng mạnh lên 480 tỷ đồng so với con số 190 tỷ cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi ngày trong quý I, Hòa Phát chi hơn 5 tỷ đồng trả lãi vay.
Trước câu hỏi của cổ đông về vấn đề vay nợ, đại diện Hòa Phát cho biết thực vay vòng của doanh nghiệp đến cuối quý I là 36.100 tỷ đồng do tập đoàn có 5.200 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.
Hòa Phát cho biết cập nhật đến cuối tháng 4, tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng của doanh nghiệp đã tăng lên hơn 6.200 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ vốn vay ròng so với tổng tài sản còn 0,31 lần so với mức 0,72 lần trong báo cáo tài chính quý I.
“Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, đặc biệt Việt Nam thực hiện chính sách cách ly xã hội trên toàn quốc, Hòa Phát nằm trong số ít doanh nghiệp có lượng tiền mặt dự trữ lớn”, đại diện tập đoàn này tự tin.
Hòa Phát khẳng định các chỉ số quản trị tài chính của doanh nghiệp vẫn chặt chẽ, an toàn. Nếu so với các tập đoàn khác có quy mô tương đương, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, “vua thép” cho rằng các chỉ số tài chính của mình vẫn tốt hơn.