Chuyên gia kinh tế – PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, mức giảm trừ gia cảnh đang quá thấp, cần phải tăng thêm. Theo đó, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mức giảm trừ nên ở khoảng 16 – 18 triệu đồng/tháng trở lên.
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Trong một văn bản mới đây, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế.
Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh được quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Tuy nhiên, tăng mức giảm trừ gia cảnh lên bao nhiêu là hợp lý vẫn là câu hỏi khó.
Mức giảm trừ gia cảnh đang quá thấp
Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam là 4,96 triệu đồng, nhóm có thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất) vào khoảng 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Luật Thuế TNCN hiện hành quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm). Trong khi đó, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc đang được quy định ở mức 4,4 triệu đồng/tháng.
Để “bảo vệ” cho việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc như hiện nay, có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tại Việt Nam hiện gấp hơn 2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng.
Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu nói mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/người cao là “chưa hiểu đầy đủ”.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, ở Singapore, người dân thu nhập 40.000 – 60.000 USD/năm, trong khi chỉ cần khoảng 20.000 USD là có thể sống tốt. Còn thu nhập bình quân của Việt Nam đang quá thấp so với nhu cầu, mức sống thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở mức 11 triệu đồng/tháng, nếu sống ở Hà Nội, TPHCM,… với đủ khoản chi tiêu như thuê nhà, ăn ở, học hành, khám chữa bệnh… rất khó đủ sống.
Ông Thịnh nhấn mạnh, mức giảm trừ gia cảnh đang quá thấp, cần phải tăng thêm: “Theo tôi, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, mức giảm trừ nên ở khoảng 16 – 18 triệu đồng/tháng trở lên. Còn với người phụ thuộc, mức 4.4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng không thể đủ được, ít nhất cũng phải để mức từ 5-7 triệu đồng trở lên”.
Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, với giá cả sinh hoạt hiện nay, nhất là khu vực đô thị, dư luận đa số đều cho rằng các mức ấn định cho việc miễn thu thuế quá thấp, hay nói cách khác đã trở nên lỗi thời về mặt chính sách thuế, xét từ góc độ bảo đảm đời sống của người dân.
Có nhận định như vậy bởi khi lấy mức chi phí sinh hoạt tối thiểu của một cá nhân hay gia đình trong một tháng làm điểm xuất phát. Cụ thể, tại các đô thị lớn, chi phí cơ bản của một cá nhân sẽ bao gồm 2 triệu đồng thuê nhà, 1 triệu đồng xăng xe và đi lại, 4,5 triệu đồng tiền ăn và 0,5 triệu đồng cho liên lạc và Internet. Vậy chỉ còn lại 3 triệu đồng cho tất cả các nhu cầu còn lại như chăm sóc sức khỏe thăm hỏi, giao tiếp xã hội, học tập, sinh hoạt văn hoá và giải trí.
“Tính toán đơn giản như thế để thấy rằng với mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng, chắc chắn sẽ là không đủ, hay chỉ là để tồn tại mà không phải sống theo đúng nghĩa gọi là tử tế. Vậy, với một gia đình tiêu chuẩn gồm 4 người, nếu mỗi bố, mẹ chỉ có thu nhập đủ nuôi mình, cộng khoản có thêm 4,4 triệu đồng cho mỗi trẻ em đi học, trong điều kiện phải trả học phí và tiền học thêm, thì liệu có đủ không?”, ông Lập lập luận.
“Tôi cho rằng đã đến lúc và không thể muộn hơn, các đại biểu Quốc hội cần rà soát lại quy định về mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN, theo hướng nâng cao một cách cơ bản các mức này”, ông Lập nói.
Mặt khác, LS. Nguyễn Tiến Lập cũng thừa nhận sẽ có người ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa nói rằng “mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng là ước mơ của tôi”. Điều đó có thể đúng. Do đó, về khách quan, chúng ta cần thiết kế các định mức, tiêu chuẩn khác nhau cho các vùng miền khác nhau để đảm bảo khoa học, hợp lý và công bằng.
Đề xuất rút 7 bậc tính thuế về còn 5 bậc
Đánh giá biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay gồm 7 bậc (5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%), PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng như vậy là chưa hợp lý và cũng không cần thiết.
“7 bậc là quá nhiều trong khi khoảng cách giữa các bậc quá hẹp, dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm, làm tăng số thuế cá nhân phải nộp”, ông Thịnh nhận định.
Vị chuyên gia này đề xuất biểu thuế lũy tiến từng phần chỉ nên gồm 5 bậc để dễ tính và nộp thuế. Mức khởi điểm cần phải nâng lên và khoảng cách giữa các bậc cũng phải giãn ra cho phù hợp.
Bên cạnh đó, về mức thuế suất, ông Thịnh cũng chỉ ra xu hướng các nước hiện đều đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNCN, hiện cao nhất chỉ còn khoảng 25%.
“Mức 35% của Việt Nam là quá cao. Cần giảm mức thuế suất tối đa này để khuyến khích người dân làm giàu, và mức đóng thuế hợp lý thì họ mới tích cực chủ động đóng thuế”, ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Văn Thức, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng đồng tình với việc cắt giảm số bậc trong Biểu thuế xuống còn 5 bậc trong giai đoạn này.
“Để đến 7 bậc, cấu trúc tính và cách tính hơi phức tạp, số người biết cách tính thuế rất ít. Chính vì không hiểu cách tính thuế, nhiều người có cảm giác làm bao nhiêu nộp thuế hết, giảm động lực làm kinh tế hoặc tìm cách né thuế. Hệ lụy kéo theo là bộ máy quản lý phải phình to hơn để kiểm soát tốt hơn. Cá nhân tôi rất thích câu: “Phần trăm nhỏ trong quy mô lớn còn hơn số tiền lớn trong quy mô nhỏ”, ông Thức chia sẻ.
Trên cơ sở đó, vị chuyên gia này đề xuất, các cơ quan quản lý cân nhắc giảm số bậc trong Biểu thuế, cấu trúc các khoản tính thuế đơn giản, rõ ràng hơn, để người dân cảm thấy công bằng, minh bạch, có động lực phấn đấu tăng thu nhập hơn. Khi đó, số tiền thuế thu được sẽ tăng lên.