Nguồn cung BĐS tăng nhưng giá không giảm, nhiều chủ đầu tư kỳ vọng thị trường BĐS cuối năm “gặt hái” thành công, là tiền đề cho những năm tới.
Thị trường địa ốc TP.HCM vào vụ cuối năm
Theo dữ liệu từ Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ sơ cấp TP.HCM trong quý III/2024 giảm 13% so với quý trước. Trong đó phân khúc hạng B chiếm đa số nguồn cung với 60% thị phần, tiếp theo là hạng C với 38% và hạng A với 2%.
Tuy nhiên, theo đại diện của CBRE Việt Nam, dù nguồn cung căn hộ TP.HCM mở bán chính thức thấp, nhưng điểm sáng là có gần 300 căn hộ được chào bán ra thị trường. Xuất phát từ các dự án đã tạm dừng bán hàng trong 1-2 năm gần đây tại TP.Thủ Đức, quận 7 và khoảng 2.700 căn hộ chưa mở bán chính thức đã bắt đầu nhận giữ chỗ, dự kiến mở bán trong thời gian sắp tới.
Đây được xem là tín hiệu lạc quan cho quý IV/2024 kể từ khi số lượng dự án được cấp phép mới giảm mạnh từ năm 2019.
Báo cáo của ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Nam -Batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường BĐS TP.HCM quý IV năm nay đón nhận nhiều thông tin tích cực. Tâm lý tìm kiếm BĐS tăng mạnh trong tháng 10 ở hầu hết các phân khúc, trong đó nổi bật là nhà riêng lẻ tăng 11%, đất dự án tăng 16% và nhà phố tăng 10%.
Nguồn cung mới ở phân khúc chung cư tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông; tiến độ các dự án như metro số 1, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây giúp cải thiện kết nối khu vực và tạo sức hút cho BĐS khu vực xung quanh. Đồng thời, những chính sách quản lý của Chính phủ cũng góp phần giúp cho thị trường hồi phục nhanh hơn so với dự báo.
Hiện tại, nhiều dự án BĐS tại TP.HCM dự kiến được chủ đầu tư tung ra thị trường vào 2 tháng cuối năm nay như: Essensia Sky, The Opus One, Eaton Park, Masteri Grand View, The Opusk Residence, Khải Hoàn Prime, King Crown Infinity, Elysian Gamudaland… Chẳng hạn như:
Dự án Essensia Sky (thuộc KĐT Dragon City quy mô 65ha). Dự án này tọa lạc mặt tiền Nguyễn Hữu Thọ, tuyến đường huyết mạch của khu Nam rộng 60m kết nối đến các tỉnh miền Tây và thuận lợi di chuyển vào trung tâm TP.HCM. Dự kiến dự án khi mắt sẽ có chính sách bán hàng hấp dẫn. Đây là một trong số ít các dự án có pháp lý chuẩn ra thị trường dịp cuối năm đang nhận được sự quan tâm tích cực của người mua nhà.
Hay như tại khu Tây TP.HCM, hầu hết sự hiện diện từ nguồn cung cũ mở bán giai đoạn tiếp theo như Privia, Akari City (quận Bình Tân), hoặc một số dự án tái khởi động như D-Homme (Q.6), D-Aqua (Q.8)…
Ông Tạ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Bất động sản News Property nhận định, so với những năm trước, hiện thị trường BĐS tại TP.HCM có nhiều lựa chọn hơn về phân khúc và mức giá. “Nhiều dự án trước đây bán chậm, hoặc tồn kho, bây giờ thị trường khởi sắc sẽ được chủ đầu tư tung ra với mức giá khá cạnh tranh. Còn đối với những dự án mới, các chủ đầu tư cũng “nhìn nhau” để thiết kế giá bán phù hợp, không đẩy giá vô tội vạ như thời điểm trước”, ông Kiên cho hay.
Chủ đầu tư kỳ vọng, tung hàng ra thị trường
Theo nhận định của giới đầu tư, sau giai đoạn trầm lắng kéo dài, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang chứng kiến nguồn cung bùng nổ, bất chấp giá thành tăng cao.
Báo cáo của VPBank Securities cho thấy, hiện nay tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ đạt 19.000 căn, tăng mạnh 85,5% so với đầu năm 2024. Còn tại TP.HCM, dù đang trong quá trình phục hồi chậm hơn, cũng được dự báo sẽ có thêm 35.000 căn hộ trong giai đoạn 2024-2026. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng sau giai đoạn dài nguồn cung bị bóp nghẹt do các vấn đề pháp lý và nguồn vốn.
Tuy nguồn cung tăng mạnh nhưng giá sơ cấp không giảm. Cụ thể, đã tăng 20,3% tại Hà Nội và 6,6% tại TP.HCM so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bất chấp nguồn cung cải thiện, giá nhà không những không giảm mà còn tăng nhanh, đặc biệt tại các khu vực đô thị trung tâm.
Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, yếu tố then chốt là tâm lý thị trường. Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, có đến 81% người tham gia cho rằng giá BĐS sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Lý do chính nằm ở niềm tin, xem đây vẫn là một kênh đầu tư an toàn, có khả năng bảo toàn vốn tốt hơn so với các tài sản khác.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu nhà ở ngày càng cao tại các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội cũng tạo ra lực cầu lớn. Tại TP.HCM, các khu vực như TP.Thủ Đức đang trở thành điểm nóng nhờ vào sự phát triển của các dự án mới và hạ tầng giao thông được cải thiện. Tại Hà Nội, khu vực phía Tây và các vùng ngoại thành cũng ghi nhận lượng dự án mới gia tăng, phục vụ nhu cầu ở thực lẫn đầu tư.
Đáng chú ý, tỷ lệ thuận với nguồn cung tăng là lượng hàng tồn kho BĐS đã tăng 7,9% so với đầu năm, đạt mức 144.607 tỷ đồng. Phần lớn lượng hàng này tập trung ở phân khúc nhà liền thổ và căn hộ tại các khu vực đang phát triển như TP. Thủ Đức (TP.HCM) hay phía Tây Hà Nội. Do các dự án mới yêu cầu thời gian phát triển hạ tầng và dịch vụ đi kèm được xem là nguyên nhân tiêu thụ vẫn chậm trên thị trường.
Mặt khác, nói về giá nhà trong tương lai, đại diện một sàn giao dịch BĐS tại TP.Thủ Đức chia sẻ, trong ngắn hạn, giá BĐS khó có khả năng giảm mạnh dù nguồn cung đang tăng. Nguyên do, thứ nhất nhu cầu ở thực và tốc độ đô thị hóa nhanh là động lực tích cực lên thị trường. Hai là, việc các địa phương công bố bảng giá đất mới cao hơn nhiều lần so với trước kia tạo tâm lý giá sẽ còn lên cao nữa đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu các chính sách hỗ trợ người mua như giảm lãi suất cho vay, cải thiện thu nhập, và thúc đẩy hạ tầng được thực hiện đồng bộ, áp lực giảm giá có thể xuất hiện, đặc biệt ở phân khúc cao cấp hoặc tại các khu vực tồn kho lớn trong những năm tới.
Theo Vietnamfinance