Tín dụng dành cho các chủ đầu tư bất động sản tăng mạnh, dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.
Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng hoặc tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.
Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng rất cao với 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng lại có xu hướng giảm.
Nếu tính theo số liệu nói trên, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 987.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9, tức tăng thêm khoảng 184.000 tỷ đồng so với đầu năm. Con số này cho thấy doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp cận được vốn tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng kinh doanh bất động sản tăng cao cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường đang dần phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà điều hành chính sách tiền tệ, nhu cầu tín dụng bất động sản thường với thời hạn trung và dài hạn, trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường.
Vì vậy, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp thì có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng tập trung cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản với tốc độ tăng trưởng cao.
Theo thống kê từ BCTC quý III/2023, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại nhiều ngân hàng tăng trưởng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tại Techcombank tính đến cuối quý III ghi nhận gần 160.238 tỷ đồng (chiếm 34,63% tổng dư nợ), tăng 47% so với đầu năm.
Con số này tính tới cuối tháng 9 tại VPBank cũng tăng 45% lên hơn 98.192 tỷ đồng, chiếm 18,83% tổng dư nợ. Trong khi đó, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6% (chiếm 16,96%), ghi nhận hơn 88.447 tỷ đồng.
Dư nợ kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 9 tại SHB ghi nhận hơn 67.620 tỷ đồng (chiếm 16,08% trong tổng dư nợ), tăng 115% so với đầu năm; tại MB cũng tăng gần 62% lên 34.507 tỷ đồng vào cuối quý III, cao gấp gần 4 lần tốc độ tăng trưởng dư nợ chung…Tín dụng kinh doanh bất động sản có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp (đa số là các doanh nghiệp lớn) đang nỗ lực tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc nguồn vốn, đồng thời tái khởi động các dự án lớn.
nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc hạn chế room tăng trưởng tín dụng hiện nay dẫn đến việc ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay. Trong khi đó, lãi suất cho vay bất động sản được đánh giá vẫn ở mức cao. Song song với đó, những vướng mắc liên quan đến pháp lý dự án vẫn chưa được giải quyết triệt để, doanh nghiệp không thể tự mình tháo gỡ mà cần sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương.
Đa số các chủ đầu tư địa ốc khi đối thoại với Ngân hàng Nhà nước mới đây đều kiến nghị tiếp tục hạ lãi suất, kéo dài thời gian vay vốn và có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường địa ốc.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)