Cuối tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cho thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu, có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ…
Công điện cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền, nhất là tiếp cận tín dụng cho bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp “quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao”.
Sau hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được ban hành, đặc biệt, với việc lãi suất đã hạ nhiệt rõ rệt, nhiều thành viên thị trường đang kỳ vọng nhiều hơn vào sự phục hồi của ngành địa ốc.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 chia sẻ, chỉ đạo của Thủ tướng khiến các doanh nghiệp bất động sản rất phấn chấn. Tập đoàn của ông cũng đang có nhu cầu vay để đầu tư bất động sản.
Theo ông Quê, từ tháng 11/2022, người dân cũng như doanh nghiệp bất động sản đều không dám vay để đầu tư bất động sản vì e ngại lãi suất cao. Giờ đây, lãi suất đã thấp hơn, ngân hàng cũng dư thừa thanh khoản nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn tín dụng, vì không đáp ứng được điều kiện khắt khe từ các ngân hàng.
“Sau công điện này, điều kiện cho vay đầu tư dự án và mua nhà ở sẽ được nới lỏng hơn; mức vay tốt hơn và lãi suất thả nổi sẽ hạ xuống dưới 10,5%/năm, sẽ xuất hiện các gói vay cố định lãi suất năm đầu 7,5%/năm, hay vay trong 24 tháng lãi suất chỉ 8%/năm như trước đây”, ông kỳ vọng.
Chủ tịch G6 tin tưởng, quý IV cũng là thời điểm đáo hạn nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân và với mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục đi xuống, một lượng tiền lớn sẽ chảy từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản thời gian gần đây đã phát tín hiệu tích cực hơn, khối lượng giao dịch trên thị trường đã tăng trong quý III/2023 và đạt khoảng 35% thời điểm trước dịch Covid-19. Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã ở lại phía sau, việc phục hồi có thể sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
“Lãi suất đã và sẽ tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho dòng tiền chảy vào bất động sản, giúp thị trường đi lên”, ông Lực nhận định.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 986.000 tỷ đồng, tăng hơn 26.200 tỷ đồng so với thời điểm 30/7/2023. Nói cách khác, chỉ trong một tháng, đã có trên 26.000 tỷ đồng vốn tín dụng chảy vào bất động sản.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, dư nợ tín dụng tại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7; dư nợ tín dụng tại các dự án văn phòng tăng gần 700 tỷ đồng; tại các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất tăng 4.700 tỷ đồng; dự án nhà hàng, khách sạn tăng gần 900 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê tăng 4.000 tỷ đồng; đầu tư kinh doanh bất động sản khác tăng 600 tỷ đồng…
Tại một số ngân hàng, dư nợ tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 47,2%, chiếm 34,63% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ năm ngoái là 26,4%).
Tại VPBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tại thời điểm cuối tháng 9/2023 tăng 45% so với cùng kỳ, đạt 98.192 tỷ đồng, chiếm 18,83% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng. Trong khi đó, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6%, tỷ trọng giảm so với trước.
Tại MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cũng tăng 20%, trong khi cho vay cá nhân chỉ tăng 5,8%. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 986.000 tỷ đồng, tăng hơn 26.200 tỷ đồng so với ngày 30/7/2023.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)