Chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng tăng cao khi lãi suất cho vay liên tục giảm.
Được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Hội đồng quản trị VietinBank vừa công bố chi tiết các chỉ tiêu tài chính kế hoạch năm 2023. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ trước thuế là 22.500 tỷ đồng, tăng 10,6% so với mức thực hiện năm 2022.
Trước đó, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho hay, VietinBank là một trong các ngân hàng tiên phong nỗ lực giảm lãi suất huy động, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường.
“Số dư tín dụng được hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với số tiền hỗ trợ hơn 130 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2023”, ông Bình nói.
Tổng dư nợ toàn hệ thống đến cuối tháng 9/2023 được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết là gần 13 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB nhận xét, tín dụng đã tăng nhanh hơn từ tháng 8, song nhìn chung, đà tăng của 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức 11,05% của cùng kỳ năm ngoái.
“Biên lợi nhuận ròng (NIM) của các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm trong các quý gần đây, điều này phần nào đã được dự báo trước, khi lãi suất cho vay liên tục giảm trong bối cảnh cầu tín dụng thấp, cũng như theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp”, bà Hiền nói.
Tất nhiên, NIM có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Cụ thể, NIM của các ngân hàng cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và huy động phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng giảm mạnh hơn mức bình quân toàn ngành. Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng từ liên ngân hàng, khách hàng cá nhân, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao không bị ảnh hưởng nhiều, NIM giảm ít.
Thực tế lãi suất cho vay hiện nay tại nhiều ngân hàng cho thấy, lãi suất đối với các khoản cho vay mới giảm 1 – 1,75%/năm so với đầu năm. Lãnh đạo các lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, giảm lãi suất cho vay đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nhưng là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận kinh doanh trong các quý đầu năm của ngân hàng, đặc biệt là quý III bị thu hẹp.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, chi phí trích lập dự phòng của ngành gia tăng trong những quý gần đây không nằm ngoài dự báo, do áp lực nợ xấu tăng – hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, các chỉ số kinh tế vĩ mô nhìn chung được cải thiện, nhưng hoạt động thương mại vẫn chưa cho thấy tín hiệu phục hồi sản xuất rõ ràng.
Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho hay, nếu loại trừ các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 2,86%. Cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng lên gần 8%, nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.
“Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn nợ. Điều này lý giải một phần tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm”, ông Đồng nêu quan điểm.
Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam tính toán: “9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng đã tăng khá cao so với cùng kỳ”.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, chi phí trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng, do các ngân hàng thường mạnh tay xóa nợ xấu vào quý cuối năm nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới ngưỡng 3%. Một số ngân hàng có chính sách cẩn trọng hơn khi xếp loại nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, song vẫn trích lập đầy đủ.
Báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2023 của ACB cho biết, Ngân hàng thu được 5.556 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, nhưng trích 521 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, nên lãi trước thuế giảm còn hơn 5.035 tỷ đồng (so với cùng kỳ vẫn tăng 13%).
Tại VIB, lợi nhuận trước dự phòng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, Ngân hàng chủ động trích lập dự phòng hơn 3.150 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ.
Lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, đặc biệt, áp lực nợ xấu gia tăng khiến chi phí trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng tăng mạnh.
Tổng Hợp
(ĐTCK)