Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn (SCB) để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương. Thông tin này vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, an toàn cho hoạt động của SCB.
SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến Ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, có không ít nhà băng từng rơi vào trường hợp bị kiểm soát đặc biệt, nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Các ngân hàng đang được kiểm soát đặc biệt khác là CBBank, OceanBank, GP Bank và DongABank, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Bốn nhà băng này được yêu cầu phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp. Tổ chức tư vấn phát hành chứng thư thẩm định giá ngân hàng và cơ quan quản lý sẽ gửi Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán theo quy định.
Thị trường kỳ vọng, bên cạnh nhà đầu tư nội, dòng tiền mới với quy mô lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu ngân hàng cũng như tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược, nhất là đối tác ngoại. Đặc biệt, việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh”.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng không chỉ cần vai trò hỗ trợ của Chính phủ, mà còn cần có sự tham gia của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư ngoại, vì hệ thống tổ chức tín dụng đang tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ, xử lý những vấn đề dang dở trong giai đoạn tái cơ cấu trước đây.
Trước đó, Nghị quyết 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 thống nhất sẽ không sử dụng ngân sách để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu ngân hàng, thậm chí có thể xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% ngân hàng yếu kém. Dòng tiền “cũ” từ ngân hàng, nhà đầu tư nội, ngân sách nhà nước được nhìn nhận có những khó khăn. Do đó, dòng tiền mới với quy mô lớn từ nhà đầu tư ngoại được kỳ vọng góp phần hỗ trợ xử lý dứt điểm nợ xấu, những yếu kém của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, mục đích thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước đây khác với hiện tại. Khi đó, các nhà đầu tư chủ yếu nhắm vào các ngân hàng đang hoạt động tốt, khả năng sinh lời cao và mục tiêu đầu tư trong thời gian chỉ khoảng 3 – 5 năm. Còn thời điểm này, hệ thống ngân hàng đang cần sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khối ngoại vào các ngân hàng trong diện tái cơ cấu, hoạt động yếu kém.
Tổng giám đốc một ngân hàng nêu quan điểm, Việt Nam nên khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, bởi độ mở thị trường tài chính ngày càng lớn, trong khi nguồn lực tài chính tích lũy của nền kinh tế chưa cao.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)