Hiện nay, người nước ngoài tại Việt Nam được phép sở hữu tối đa 30% lượng căn hộ ở một số dự án không thuộc vị trí đặc biệt. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế đã vượt xa mức đó.
Mới đây, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam có kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo hướng mở rộng tỷ lệ được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp.
Nguồn cầu cao nhưng bị hạn chế do luật
Trao đổi với Zing, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết theo số liệu của hội cho thấy nhu cầu mua bất động sản, đặc biệt là ở phân khúc cấp cao và các sản phẩm nghỉ dưỡng của người nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng.
“Người nước ngoài với nguồn vốn lớn thường không thật sự hứng thú với các sản phẩm ở phân trung cấp và bình dân như người Việt. Chính vì vậy, cần thay đổi tư duy rằng bán nhà cho người nước ngoài là mất nhà cho người Việt bởi sản phẩm hướng đến của hai nhóm khách hàng là khác nhau”, ông Trần Minh Hoàng nói thêm.
Chia sẻ về nguồn cầu lớn từ khách mua nhà người nước ngoài, ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc SonKim Land nhận định: “Trong vòng 5 năm qua kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được mua căn hộ tại Việt Nam, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng nổi bật của thị trường với sự đóng góp từ những người mua là người nước ngoài.”
Giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM đang giữ mức trung bình 5.500 – 6.500 USD/m2. Ảnh: Quỳnh Danh
Theo ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills Việt Nam, hiện nay pháp luật Việt Nam đang có nhiều quy định trong việc cho phép người nước ngoài mua nhà.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự, liền kề thì chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà trong một khu dân cư tương đương cấp phường.
Bên cạnh đó, người nước ngoài cũng không được sở hữu nhà quá 50 năm trong các thỏa thuận giao dịch mua bán, cho thuê, thừa kế. Chỉ trong trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam mới được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài.
Tổng giám đốc SonKim Land chia sẻ: “Mặc dù nguồn cầu rất lớn nhưng theo luật hiện hành, chúng tôi bị giới hạn trong việc cung ứng nhu cầu của khách hàng. Việc kiểm soát quyền sở hữu của người nước ngoài là điều dễ hiểu, nhưng nếu tăng tỷ lệ đến 49%, tôi tin rằng sẽ giúp nền kinh tế trong nước phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch sớm hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác.”
Theo ghi nhận của Savills, giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM đang giữ mức trung bình 5.500 – 6.500 USD/m2. Nhìn chung, giá căn hộ tại cả TP.HCM và Hà Nội vẫn đang ở mức thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok trong khi tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Ông Nguyễn Khánh Duy nhận định, động lực tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam được thúc đẩy bởi cơ cấu dân số vàng, triển vọng kinh tế tích cực và các dự án cơ sở hạ tầng mới.
“Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, sự gia tăng các chủ đầu tư nước ngoài và chính sách vĩ mô phù hợp, thị trường nhà ở có triển vọng tăng trưởng đầy lạc quan. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015”, ông Duy nói thêm.
Giá nhà ở tại Việt Nam được đánh giá là khá cạnh tranh và có khả năng sinh lời tốt so với một số thị trường lân cận. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tương tự, ông Trần Minh Hoàng chỉ ra thị trường Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn một phần cũng do vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển du lịch tốt.
“Trong khi các thị trường khác của khu vực đang như một bữa tiệc không còn chỗ trống, giá bất động sản tại Việt Nam còn khá cạnh tranh và có khả năng sinh lời tốt”, ông Hoàng mô tả.
Dưới sự quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu nhà của người nước ngoài, đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng do nhu cầu lớn, nhiều người vẫn tìm cách lách luật với nhiều cách thức khác nhau, tạo ra sự kém minh bạch của thị trường. Chính vì vậy, việc tăng tỷ lệ mua nhà cho người nước ngoài sẽ giúp thu hút nguồn vốn, tăng tính minh bạch của thị trường, đồng thời kích thích sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Ông Hoàng cũng khẳng định không nên xem đề xuất này như một giải pháp ngắn hạn để phục hồi thị trường dưới tác động của dịch Covid-19 mà nên cân nhắc như một hướng phát triển lâu dài cho thị trường.
Với quy định hiện hành cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, ông Nguyễn Khánh Duy nhận định quy định này giúp kiểm soát thị trường, đảm bảo tính minh bạch và người Việt vẫn có thể mua nhà một các dễ dàng. Cùng với đó, các chủ đầu tư vẫn có một nguồn vốn ngoại dồi dào để phát triển dự án. Với nhu cầu mua nhà từ nhóm khách nước ngoài, các sản phẩm cao cấp được đầu tư một cách kỹ lưỡng, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù cho rằng việc “nới room” cho người nước ngoài sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường, ông Duy cũng khẳng định, nếu nới lỏng quy định này phải được cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng, do có thể ảnh hưởng đến khả năng người Việt Nam mua được nhà tại thị trường khi nguồn vốn ngoại rất dồn dào và có thể kiểm soát nguồn cung và giá cả của thị trường.
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định cần nghiên cứu hết sức cẩn trọng trước khi quyết định tăng tỷ lệ mua nhà của người nước ngoài ở Việt Nam bởi điều này có khả năng kéo theo nhiều tác động phức tạp về mặt an sinh, xã hội. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã có bài học lớn, Việt Nam cần có sự điều chỉnh phù hợp cả về kinh tế, an ninh, chính trị và xã hội.
Thị trường bán lẻ đã chịu nhiều tổn thất do dịch Covid-19. Những chỉ số về mức độ thiệt hại sẽ càng thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh quý II.
Trên 3 khu vực thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, thị trường ghi nhận mức giảm giá thuê ở cả phân khúc chung cư và nhà phố.