Trong các cuộc họp và làm việc với các doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần khẳng định việc ngân hàng không siết cho vay bất động sản. Nhưng phía Doanh nghiệp bất động sản vẫn lo khó tiếp cận tín dụng.
Đồng thời trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm như hiện tại, việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp ngày càng được chú trọng theo hướng nới lỏng, trong đó có cả lĩnh vực BĐS.
Gần đây nhất, sau phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội BĐS,… NHNN đã thực hiện điều chỉnh Thông tư 06 (có hiệu lực từ 1/9/2023), ngưng hiệu lực thi hành 3 khoản mục có ảnh hưởng nhiều với thị trường BĐS.
Việc ngưng hiệu lực ba điều khoản đã loại bỏ các nhu cầu vốn dưới đây ra khỏi danh mục “không được phép cho vay” bao gồm:
1. Để góp vốn, mua phần góp vốn của công ty tư nhân và công ty cổ phần chưa đăng ký giao dịch trên UPCOM;
2. Để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và;
3. Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp đáp ứng các điều kiện cụ thể.
Theo nhận định của Chứng khoán ACB (ACBS), việc tạm ngưng thi hành các khoản mục trên sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn có cơ hội tái cơ cấu lại thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có hành lang pháp lý để có thể cho vay đối với người đi mua bất động sản chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng), nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý.
Điều này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc đi vay để đầu tư, mở rộng quỹ đất hoặc đầu tư vào một dự án mới. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều có thể hưởng lợi từ Thông tư này.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng ác điều chỉnh trên sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây (đến cuối tháng 7 chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6).
Trên thực tế, mỗi ngân hàng sẽ có khẩu vị rủi ro riêng và vẫn có thể sẽ không chủ động giải ngân đối với các dự án và khoản vay mà họ đánh giá là có rủi ro cao. Trong khi đó, Thông tư mới ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng ưa thích cho vay lĩnh vực BĐS.
Theo số liệu tại ACBS, tại thời điểm cuối tháng 6/2023, các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng cao bao gồm Techcombank (35,5%), LPBank (31,6%), SHB (27,3%), VPBank (22,5%), HDBank (19,0%) và MSB (17,9%).
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và NHNN ngày 24/8, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu lại tiếp tục kiến nghị NHNN sửa đổi thêm một số điều khoản trong Thông tư 22 (2019). HoREA mong muốn NHNN gia hạn thời điểm hạ tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% thêm 12 tháng.
Hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức 34%. Dự kiến theo Thông tư 22, tỷ lệ tối đa này sẽ được giảm xuống 30% vào ngày 1/10/2023. Thông tư 22 sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng điều chỉnh hoạt động cho vay dài hạn hoặc cơ cấu nguồn vốn huy động.
Thông thường, các khoản cho vay bất động sản thường có kỳ hạn dài, mang nhiều rủi ro hơn những khoản vay ngắn hạn. Do đó, điều chỉnh theo hướng buộc các ngân hàng phải có đủ nguồn vốn dài hạn để phục vụ hoạt động cho vay dài hạn là phù hợp, giúp tăng sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, quy định này cũng có thể khiến ngân hàng hạn chế dòng tín dụng vào hoạt động bất động sản.
Ngoài ra, HoREA đề nghị NHNN xem xét cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Nghị định số 65 của Chính phủ cho phép mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tổng Hợp
(Vietnambiz)