Sau nhiều ý kiến phản đối đề xuất loại bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất trước khi Chính phủ yêu cầu cơ quan soạn thảo giữ lại, những vấn đề khác của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục được đưa ra bàn thảo, trong đó có vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Những cuộc thảo luận xung quanh dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 dự báo tiếp tục là chủ đề nóng từ nay cho tới trước kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 11/2023 – thời điểm chính thức bấm nút thông qua dự án luật mới này.
Sau nhiều ý kiến phản đối đề xuất loại bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất trước khi Chính phủ yêu cầu cơ quan soạn thảo giữ lại, những vấn đề khác của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục được đưa ra bàn thảo, trong đó có vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
“Xây dựng một đạo luật có tính thực tiễn cao” là điều mà người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý đều mong muốn, đặc biệt trong lĩnh vực phức tạp như đất đai. Thực tế cũng cho thấy, vướng mắc lớn nhất đối với các dự án bất động sản hiện nay là các vấn đề về đất đai, trong đó nổi cộm là xác định giá đất bởi nó tác động trực tiếp tới lợi ích của các chủ thể liên quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong dự án sửa đổi Luật Đất đai lần này cần trao đổi cặn kẽ mọi ý kiến đóng góp để tiếp thu, hoàn thiện. Trong đó, đối với một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xác định một số chỉ tiêu đất đai quan trọng, mang tính ổn định như đất lúa, đất rừng, khu vực bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu dân cư đã phát triển ổn định… Những chỉ tiêu khác được xác định theo thị trường, phân cấp cho địa phương để thực hiện hiệu quả hơn, từ đó bảo đảm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai “vừa tĩnh, vừa động”.
Phó Thủ tướng lưu ý các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
Thực tế cho thấy, mặc dù thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tác động rất lớn tới quyền lợi của người dân và công tác công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định cụ thể, cũng là yêu cầu bắt buộc trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác, thế nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) những năm gần đây cho thấy, công tác công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá bồi thường thu hồi đất tại các địa phương trên cả nước chưa có nhiều chuyển biến. Báo cáo năm 2022 cho biết, chưa có địa phương nào thực hiện tốt việc phổ biến và thực thi đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, chỉ khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước được tiếp cận thông tin họ cần.
Ở góc độ nghiên cứu thị trường, báo cáo Land Use Planning mới đây của Savills đánh giá, kế hoạch sử dụng đất không thành công là khi dự án phát triển các sản phẩm, hệ thống cơ sở hạ tầng và tiện ích không mang lại lợi ích về tài chính, kinh tế xã hội và môi trường. Một kế hoạch sử dụng đất kém sẽ dẫn đến hệ quả là phát triển các sản phẩm không phù hợp với thị trường, cơ sở hạ tầng và tiện ích không đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Kế hoạch sử dụng đất không tốt hoặc không thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra có thể khiến các bên liên quan phải chịu rủi ro tài chính lớn, thậm chí là đầu tư thất bại.
Tổng Hợp
(ĐTCK)