Sau thời gian dài im ắng, không khí nhộn nhịp đã trở lại với dự án Novaworld Phan Thiết. Trên công trường, hoạt động thi công diễn ra khá rầm rộ, còn ở những phân khu đã xây xong, nhiều khách hàng đến nhận nhà và tiến hành hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và TP.HCM về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn 2 địa phương này.
Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án bất động sản; đồng thời đã nghiên cứu, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý 108 văn bản. Bộ Xây dựng đã có các báo cáo về tình hình triển khai thực hiện gửi Thủ tướng Chính phủ và báo cáo trực tiếp tại các cuộc họp Tổ công tác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù thị trường bất động sản còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm gỡ khó cho các doanh nghiệp, dự án của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cũng như nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, các doanh nghiệp bắt đầu nhìn thấy tín hiệu tích cực trên thị trường bất động sản. Tín hiệu này đến từ các chính sách tài khóa – tiền tệ, chính sách gỡ vướng… được Chính phủ thực hiện thời gian qua. Bên cạnh đó, việc giải ngân cho các dự án đầu tư công được đẩy mạnh giúp lượng cung tiền ra nền kinh tế được dồi dào, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, đầu tư khởi sắc.
Theo ông Phúc, việc lãnh đạo TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn chính sách đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp. Sự chuyển biến trong cấp phép, gỡ vướng thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, dự án là cơ sở để tạo nguồn cung mới cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Đặc biệt, mới đây, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và điều này được dự báo sẽ tạo sự phát triển đột phá cho kinh tế nói chung và thị trường địa ốc Thành phố nói riêng. Điểm đáng chú ý trong cơ chế mới này là TP.HCM được áp dụng trở lại hình thức đầu tư BOT đối với các dự án giao thông đường bộ hiện hữu dựa trên điều kiện đảm bảo quyền lợi của người dân. Với cơ chế này, nhiều dự án xây dựng dở dang hoặc đã lên kế hoạch đầu tư nhưng phải dừng lại do thay đổi chính sách sẽ được “hồi sinh”, trong đó các dự án đang được Sở Giao thông – Vận tải đề xuất khởi động trở lại như dự án mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 và Quốc lộ 22…
Một điểm mới nữa trong cơ chế đặc thù là TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn và tốc độ nhanh (TOD). Cùng với cơ chế này, TP.HCM tập trung rà soát quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các trục tuyến giao thông mới, tạo cơ hội đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy thị trường bất động sản sớm phục hồi.
Nhằm đón đầu “làn sóng” hồi phục, nhiều doanh nghiệp rục rịch lên kế hoạch triển khai trở lại các dự án. Theo nguồn tin từ Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc, trong tháng 8 tới, nhà phát triển bất động sản này sẽ khởi công xây dựng các dự án căn hộ thành phần trong Khu đô thị Vạn Phúc nằm dọc Quốc lộ 13 dự kiến được đầu tư mở rộng thời gian tới theo hình thức BOT.
Cùng với việc khởi động dự án, từ cuối quý II/2023, nhiều chủ đầu tư khu vực phía Nam cũng liên tục tổ chức các buổi tham quan nhà mẫu, mở bán dự án hàng tuần cùng các chính sách ưu đãi nhằm “hâm nóng” thị trường. Chẳng hạn, mới đây, Tập đoàn Nam Long tổ chức mini event tại dự án Mizuki Park thuộc khu Nam Thành phố với chính sách thanh toán “dàn đều” 40% giá trị sản phẩm chia thành 7 đợt trong 12 tháng đầu cùng mức hỗ trợ lãi suất cao.
Tại các địa phương lân cận TP.HCM, hoạt động tham quan căn hộ thực, giới thiệu dự án, khai trương nhà mẫu… cũng thường xuyên diễn ra. Đơn cử, Phú Đông Group tổ chức tham quan thực tế căn hộ tại dự án Phú Đông Sky Garden (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào mỗi cuối tuần, thu hút lượng lớn khách hàng đến tham quan. Đây là dự án hiếm hoi tại Bình Dương bàn giao nhà trong năm 2024.
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý II/2023 của DKRA Group cho biết, có chuyển biến tích cực cả về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc. Cụ thể, trong quý II/2023, phân khúc đất nền ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 867 nền, tăng 2,3 lần so với quý trước đó; tỷ lệ tiêu thụ đạt 44% (tương đương 378 nền), tăng 4,8 lần.
Dự án Novaworld Phan Thiết bắt đầu sôi động trở lại sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm việc với Tập đoàn Nova để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục của dự án này. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được đưa vào sử dụng cũng tạo lực đẩy cho thị trường địa ốc Bình Thuận nói chung và dự án Novaworld Phan Thiết nói riêng.
Ngoài dự án trên, một loạt dự án lớn của Novaland ở các địa phương khác cũng đang được xem xét gỡ vướng. Đơn cử, tại Đồng Nai, lãnh đạo địa phương này cho biết, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Biên Hòa được phê duyệt điều chỉnh tổng thể vào tháng 7/2014, trong khi quy hoạch phân khu C4 được phê duyệt vào tháng 9/2016. Tại các thời điểm phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án được phê duyệt trước đó.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho cơ quan này lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Biên Hòa để gỡ vướng cho các dự án. Những vướng mắc này liên quan đến các quy định pháp lý vượt thẩm quyền giải quyết của tỉnh.
Tại TP.HCM, sau khi lãnh đạo Thành phố quyết liệt làm việc với các doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn, bước đầu đã ghi nhận kết quả.
Chẳng hạn, sau thời gian dài tạm ngừng thi công do vướng thủ tục, mới đây, dự án Chung cư Cô Giang (Grand Manhattan, phường Cô Giang, quận 1) đã chính thức được triển khai trở lại. Đây là một trong những dự án đầu tiên được lãnh đạo UBND TP.HCM trực tiếp lắng nghe và gỡ vướng từ đầu năm đến nay. Đại diện chủ đầu tư Novaland cho biết, dự án đã thi công xong phần hạ tầng cơ bản, phần thân lên đến tầng 28 và một số hạng mục tiện ích như nhà mẫu thực tế tại dự án, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ bàn giao nhà.
Tương tự, tại dự án Saigon Centre của Keppel Land, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM về việc điều chỉnh hồ sơ gia hạn thời gian thuê đất.
Với dự án Cao ốc văn phòng Park IX ở quận Tân Bình do Công ty cổ phần Địa ốc xây dựng và Thương mại Sài Gòn 9 làm chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có công văn báo cáo UBND Thành phố chấp thuận cho thuê phần đất hơn 90 m2 tăng thêm.
Hay với kiến nghị xây dựng Khu nhà ở trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam (quận Tân Phú) của Công ty cổ phần Dệt Đông Nam, Sở Tài nguyên – Môi trường đã có công văn kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho chủ đầu tư này được chuyển mục đích sử dụng 56.157 m2 đất để thực hiện dự án…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, sau nhiều lần UBND Thành phố trực tiếp gặp và lắng nghe một số doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trên địa bàn, đến nay, đã có 13 dự án bất động sản được gỡ vướng pháp lý. Trong đó, có 5 chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được phép huy động vốn với 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương với 5.432 căn hộ (bao gồm 2.989 căn hộ thuộc một dự án khu đô thị mới).
Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục các dự án, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, có 148 dự án với 189 nội dung vướng mắc, Thành phố đã chuyển giao 169 nội dung cho các sở, ngành liên quan, 20 nội dung còn lại đang được rà soát. Đối với nhóm 44 dự án đề nghị cấp chủ trương đầu tư, Thành phố đã nhận hồ sơ của 24 dự án và xem xét giải quyết từng dự án.
Tổng Hợp
(ĐTCK)