Tại công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do sức mua rất yếu. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản, thậm chí bị mất thanh khoản lại đang bị tắc các nguồn vốn khác.
Theo đó, doanh nghiệp bị tắc nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp hoặc bị tắc nguồn vốn huy động từ khách hàng. Do đó việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là “chiếc phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp bất động sản
Trong khi đó, việc tín dụng tiêu dùng bất động sản sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước cho thấy người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản khó tiếp cận tín dụng, giảm nhu cầu tín dụng có liên quan đến tâm lý giảm niềm tin thị trường.
Tuy nhiên, nếu có cơ chế hỗ trợ về tín dụng sẽ giúp làm tăng sức mua và tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản. Không chỉ tắc tín dụng, pháp lý cũng là nút thắt lớn đối với thị trường bất động sản.
Theo HoREA, trong bối doanh nghiệp bất động sản đang chật vật với khó khăn kéo dài thì Thông tư 06 của NHNN có hiệu lực từ 1/9/2023 sắp tới, trong đó có nội dung “đáng quan ngại”, bổ sung 4 trường hợp khách hàng “có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng”.
Cụ thể, thông tư 06 đã bổ sung 4 trường hợp khách hàng (tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp) “có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng” vô tình dựng thêm “rào chắn”, làm cho việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây. Trong đó, các khoản 8, 9 và 10 sẽ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn, bao gồm các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng.
HoREA cũng cho hay, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước Nghị quyết 97 nên cần được xem xét sửa đổi để Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý…
Do đó, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định. Cụ thể, khoản 2 Điều 1 bổ sung khoản 8 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom”.
Điều này, theo HoREA là không đúng, không phù hợp thực tế, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Khoản 2 Điều 1 Thông tư này quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay”.
Theo HoREA điều này chưa đồng bộ, chưa thống nhất với khoản 2 Điều 21 và Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định “đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp” mà “đầu tư theo hình thức góp vốn” là 1 hình thức “hợp đồng hợp tác” theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
Tại Khoản 9 Điều 8 Thông tư 39 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06) cũng chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 55 và Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định phải đảm bảo điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh thì mới được giao dịch và thực hiện thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai…
Ngoài ra, bất cập của khoản 2 Điều 1 Thông tư 06 bổ sung khoản 10 Điều 8 Thông tư 39 về quy định chi phí phát sinh dưới 12 tháng.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)