Hơn 6.400 tỷ đồng “chôn” ở đại dự án Gang thép Thái Nguyên.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã chứng khoán: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với kết quả kinh doanh nửa đầu năm sa sút so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần đạt 4.392 tỷ đồng, bằng 63,5% cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức cao, lên tới 4.360 tỷ đồng, suýt soát với doanh thu. Do đó, lợi nhuận gộp chỉ còn gần 32 tỷ đồng, bằng khoảng 1/7 nửa đầu năm 2022.
Các chi phí chiếm tỷ trọng lớn là chi phí tài chính tăng mạnh 38% lên 87 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng được tiết giảm lần lượt bằng 88% và 79% cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, “ông lớn” ngành thép ghi nhận lỗ thuần 134 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh (cùng kỳ có lãi thuần 58 tỷ đồng). Tính thêm khoản lợi nhuận khác hơn 16 tỷ đồng, Tisco lỗ 117 tỷ đồng trước thuế và lỗ sau thuế gần 118 tỷ đồng (hầu hết là lỗ thuộc về công ty mẹ).
6 tháng năm 2022, Tisco vẫn có lãi trước thuế hơn 45 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 33 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6 năm nay, tổng tài sản của Tisco tăng 4,3% so với đầu năm lên mức 10.618 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho 1.765 tỷ đồng và Tisco phải trích lập dự phòng giảm giá 11,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 6.443 tỷ đồng nằm dưới dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang; riêng tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2 đã là 6.438 tỷ đồng. Có thể thấy, chi phí đổ vào dự án này vẫn không ngừng tăng lên theo thời gian.
Tisco cho biết, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên có tổng chi phí đầu tư ban đầu là 3.844 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt tổng mức đầu tư mới là 8.105 tỷ đồng (theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu chính là Công ty China Metallurgical Group Corporation – MCC)
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007, do nhiều nguyên nhân, dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Tháng 2/2017, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện dự án này, đến tháng 2/2019, Thanh tra Chính phủ có kết luận.
Đến ngày 11/11/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành bản án số 531 liên quan đến dự án, theo đó, hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là số tiền lãi suất thực tế Tisco đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là 830 tỷ đồng, các bị cáo được nêu trong bản án phải bồi thường cho Tisco số tiền nêu trên.
Các cơ quan chức năng, Tisco đang trong quá trình thực hiện kết luận của thanh tra và bản án nói trên. Tính đến 30/6, công ty nhận được bồi thường gần 79 tỷ đồng từ Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội, số tiền này được Cục THADS TP Hà Nội thu được từ bị cáo. Công ty ghi giảm chi phí lãi vay đã vốn hóa của dự án tương ứng với số tiền nêu trên.
Cho đến nay, dự án vẫn dở dang, chưa hoàn thành. Tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện tại ngày 30/6 là 6.438 tỷ đồng, trong đó lãi vay vốn hóa là 3.225 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng đầu năm nay là chi phí lãi vay vốn hóa.
Tisco khẳng định đang cùng với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ tìm các giải pháp tháo gỡ sớm đưa dự án vào sản xuất.
Về biện pháp khắc phục, Tisco cho biết, ngày 16/3, đoàn công tác của SCIC, VNSteel, Tisco đã làm việc với MCC thảo luận hướng xử lý, vướng mắc, tồn tại của hợp đồng EPC #01.
Kết thúc chuyến công tác, các bên đã ký kết biên bản làm việc. Phía MCC thống nhất sẽ cử đoàn khảo sát sang Tisco để đánh giá lại tình trạng trang thiết bị và công trình của dự án trong thời gian sớm nhất để làm cơ sở xây dựng các phương án đề xuất cho việc tiếp tục xử lý dự án giai đoạn 2 thời gian tới.
Ngày 31/3, MCC cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam để tiến hành đánh giá tình trạng thiết bị và công trình xây dựng dở dang của dự án.
Tổng Hợp
(Dân Trí)