Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế cho rằng, các cân đối lớn của nền kinh tế đã đảm bảo song còn một số việc thiếu bền vững, trong đó có vấn đề cân đối vốn cho nền kinh tế (vốn tín dụng chiếm ưu thế).
Tại Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế ngày 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên tình hình còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các cân đối lớn của nền kinh tế đã đảm bảo song còn một số việc thiếu bền vững, trong đó có vấn đề cân đối vốn cho nền kinh tế (vốn tín dụng chiếm ưu thế).
Số liệu từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụngđến ngày 8/6 chỉ đạt 3,15% (so với cùng kỳ là trên 8%), chưa như mong đợi, theo Phó Thủ tướng. Điều đó cho thấy việc hấp thụ và tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân rất khó khăn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra 4 yếu tố đề nghị các đại biểu dự Hội nghị làm rõ về những yếu tố tác động đến việc tiếp cận, hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.
Thứ nhất là về cơ chế chính sách. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo NHNN, các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại lớn, hiệp hội cho ý kiến về những vướng mắc trong cơ chế chính sách, có những vấn đề gì không đi vào thực tế để có cơ sở tháo gỡ. Đối với cơ chế chính sách từ ngân hàng thương mại, cần rà soát lại các quy định này có gì vướng mắc.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính. “Nếu phương án tốt, có khả năng trả nợ nhưng không tiếp cận được vốn thì bỏ lỡ cơ hội”, nêu nội dung này, Phó Thủ tướng đề nghị phía doanh nghiệp phải rất rõ ràng.
Thứ ba là vấn đề lãi suất. Nếu lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được. Do đó, đề nghị NHNN nghiên cứu, có chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế, điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận. Cần xem xét lãi suất điều hành ở mức nào hợp lý để tránh ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, các kênh dẫn vốn khác và quyền lợi của người vay tiền.
Thứ tư, để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn, tình hình sản xuất kinh doanh, các đơn hàng, chuỗi cung ứng phải đảm bảo. Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tháo gỡ rất quyết liệt thị trường trong và ngoài nước, trong đó có bất động sản, thị trường xuất khẩu .
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp xem lĩnh vực nào còn dư địa, lĩnh vực nào còn khó khăn để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn, qua đó góp phần cho tăng trưởng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ luôn lắng nghe, cầu thị nhằm tìm ra các vướng mắc thực sự để tháo gỡ. Mục tiêu cuối cùng là phải khơi thông dòng vốn, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng và phát triển, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và kế hoạch 5 năm đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định.
Tổng Hợp