Hiệu ứng từ sự kiện hàng trăm người xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ bốc thăm căn hộ dự án nhà ở xã hội (NƠXH) NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới đây cho thấy nguồn cung phân khúc NƠXH hiện quá ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng nguồn cung NƠXH sẽ có sự tăng trưởng do các chính sách điều hành vĩ mô đều đang ưu ái cho phân khúc này. Đồng thời, thanh khoản của phân khúc này sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, do các chính sách cần có độ ngấm, tác động dần dần vào thị trường nên nguồn cung phân khúc này trước mắt chưa tăng trưởng mạnh ngay trong năm 2023 mà sẽ khởi sắc từ từ theo độ ngấm chính sách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, dữ liệu từ hành vi tìm kiếm bất động sản của người dùng cho thấy từ khoá “nhà ở xã hội” tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Điều này phản ánh mối quan tâm và nhu cầu thực sự của người dân với bất động sản.
Theo ông này, bất động sản nhu cầu thực là xu hướng của thị trường trong bối cảnh hiện nay. Do đó, không chỉ có các dự án NƠXH năm 2023, nguồn cung NƠXH cũng sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực trong những năm tới khi Chính phủ đang có các động thái rõ ràng trong việc ưu tiên phát triển phân khúc này.
Mặt khác, số lượng doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này, hứa hẹn sự cải thiện về nguồn cung trong tương lai. Vì thế trước mắt Nhà nước cần đẩy nhanh việc sửa đổi các quy định về phát triển NƠXH, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn đang cản trở phân khúc này để thúc đẩy NƠXH tăng trưởng trong thời gian tới.
Trước đó sáng 5/6, thảo luận tại phiên họp tổ, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu đồng tình với việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Nữ đại biểu viện dẫn số liệu năm 2022, với 100 triệu dân, trong đó có 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
“Việt Nam thật sự là một quốc gia đất hẹp, người đông lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và giãn cách thu nhập lớn”, nhìn nhận thực trạng này, bà Yên quan tâm đến chính sách về nhà ở xã hội và tài chính cho phát triển nhà ở. Nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, dự thảo chưa quy định giá bán do ai duyệt. Đã là nhà ở xã hội thì nhà nước phải phê duyệt giá bán, vì doanh nghiệp chỉ đầu tư vốn, còn nhà nước giao đất sạch, như vậy nhà nước phải khống chế giá bán tối đa nhà ở xã hội. Như vậy chúng ta mới bán và cho thuê đúng đối tượng, nếu không sẽ lại rơi vào kênh nhà ở thương mại”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu tại phiên thảo luận.
Trước đó, TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu phát triển khoảng 93.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2020-2025 để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị. Đây đều là những mục tiêu được xem là cần thiết để đáp ứng nhu cầu an cư của người dân. Tuy vậy trên thực tế việc triển khai các dự án này gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu chung.
“Nhà ở xã hội không nhiều và giá tương đối cao, nhiều chỗ không rẻ hơn nhà ở thương mại là bao nhiêu. Bây giờ chỉ có thể tiếp cận được ngân hàng chính sách, nhưng các thủ tục cực kỳ chặt chẽ và khó khăn. Cơ hội mua được nhà của chúng tôi gần như quá xa vời”.
“Bây giờ các ngân hàng thương mại không cho người thu nhập thấp được hưởng ưu đãi, chúng tôi khi muốn vay lại phải chấp nhận lãi suất rất cao. Như thế rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn để mua nhà xã hội”.
“Hiện mức lương hiện tại là 8 triệu/tháng, không có tăng ca, đơn hàng ít hơn, doanh nghiệp khó khăn hơn đồng nghĩa là công nhân cũng rất khó khăn, giá cả cũng leo thang. Nếu muốn mua một căn hộ hay nhà ở xã hội, thủ tục vay rất khó đối với người lao động khi tiếp cận điều kiện, nguồn vay, khó lắm. Thế nên chúng tôi mong muốn sao sẽ có một căn hộ, nơi ở thì công việc ổn định hơn”.
Đây là những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của một số người dân tại Hà Nội và TP.HCM về câu chuyện nhà ở xã hội. Có thể thấy, mong ước có 1 chỗ ở ổn định phù hợp với khả năng tài chính của gia đình là câu chuyện hết sức phổ biến của hàng triệu gia đình tại các đô thị nước ta.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)