Làn sóng trả mặt bằng, thu hẹp diện tích văn phòng từng diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn Covid-19, vài tháng nay lại bùng phát mạnh. Kinh tế khó khăn buộc nhiều khách thuê phải co cụm…
“Ngay từ đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã phải đóng cửa, trả lại mặt bằng thuê trước hạn, số lượng doanh nghiệp mới cũng giảm nên tác động lớn đến nhu cầu thuê văn phòng tại đây”, chị Vũ Thị Phụng, giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh văn phòng cho thuê tại TP.HCM nói.
Theo chị Phụng, làn sóng trả mặt bằng, thu hẹp diện tích văn phòng từng diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn Covid-19, vài tháng nay lại bùng phát mạnh. Lúc đó, nhiều văn phòng nằm trên “đất vàng” bị thu hẹp ồ ạt khi các khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống hạng B, thậm chí là tìm tòa nhà ở xa trung tâm để giảm chi phí thuê. Hiện tại, làn sóng này có dấu hiệu quay trở lại khi các chỉ số kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp kém lạc quan.
Trong báo cáo về thị trường văn phòng mới đây, CBRE Việt Nam ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt là từ nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.
CBRE Việt Nam cho hay, nhiều giao dịch thuê văn phòng đang trong quá trình thương thảo cũng bị trì hoãn tạm thời do khách thuê cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Trong lúc này, một số chủ nhà cũng đưa thêm ra thị trường các mặt bằng đã giữ lại từ giai đoạn trước.
“Những yếu tố trên cùng khó khăn kinh tế đã gây sức ép lớn lên thị trường văn phòng cho thuê khi lần đầu tiên sau dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi diện tích khách trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhanh, dẫn đến diện tích trống của văn phòng hạng A tăng 3.500 m2, diện tích cho thuê mới của văn phòng hạng B chỉ tăng hơn 2.200 m2 (đã bao gồm gần 3.800 m2 của dự án mới đi vào hoạt động)”, bà Thanh Phạm, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam thông tin.
CBRE Việt Nam thống kê, từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ có thêm 6 tòa nhà văn phòng mới với khoảng 170.000 m2 sàn, trong đó văn phòng hạng A vẫn chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 80% tổng nguồn cung.
Bà Thanh Phạm cho rằng nguồn cung mới dồi dào cùng ngân sách thắt chặt của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn sẽ tạo nhiều áp lực lên thị trường. Do đó, các chủ đầu tư cần thận trọng khi đưa ra các chính sách chào thuê, nhất là những dự án mới phải thực sự linh hoạt trong điều khoản thuê để đạt tỷ lệ lấp đầy như kỳ vọng.
Ở góc độ tích cực hơn, bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Việt Nam cho rằng, văn phòng hạng A vẫn luôn là phân khúc hấp dẫn các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án bởi luôn thể hiện được sự ổn định trong bất kỳ bối cảnh nào.
“Thời gian qua, chúng tôi chưa nhận thấy sự biến động quá lớn nào về giá thuê. Ngược lại, các nhà chủ tư, nhà phát triển dự án còn tập trung hơn vào việc nâng cấp các sản phẩm của mình nhằm bắt kịp nhu cầu ngày càng cao của khách thuê”, bà An nói và cho biết thêm, để tăng tính cạnh tranh và giữ chân khách hàng trong thời điểm hiện nay, các tòa nhà đã hoàn thiện trước đó cũng như đang đang vận hành sẽ phải cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, hoặc linh hoạt hơn trong đáp ứng nhu cầu khách hàng để họ hài lòng và ở lại. Với các tòa nhà mới, áp lực tỷ lệ lấp đầy sẽ lớn hơn nên cần đưa ra mức giá thuê phù hợp, song cũng cần lưu ý tới yếu tố cạnh tranh giá thuê để đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong dài hạn.
“Không ai muốn bán rẻ sản phẩm của mình cả. Cách chủ đầu tư, nhà phát triển dự án làm bây giờ là cung cấp tất cả những tiêu chí cao cấp mà các tòa nhà hiện hữu không có hoặc chưa thể đạt được, đó chính là lợi thế của các tòa nhà mới”, bà An nói và cho biết thêm, mọi người sẽ thấy hầu hết các tòa nhà mới đều có những tiêu chí gần giống nhau và rất cao.
Tổng Hợp
(ĐTCK)