Luật Đất đai 2013 quy định khung giá đất là mức giá (cao nhất hoặc thấp nhất) với từng loại đất cụ thể và việc xác định khung giá đất được ban hành định kỳ với kỳ hạn 5 năm.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5 tới. Tờ trình mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án luật này có nội dung bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Theo phương án của Chính phủ, bảng giá đất mới sẽ được áp dụng từ 1/1/2026.
Theo đó, việc xây dựng khung giá đất nhằm quản lý giá đất trên thị trường, giúp cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế kiểm soát bảng giá đất của các địa phương cũng như xác định các khoản nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, khung giá đất vẫn chưa đáp ứng được toàn bộ mục đích đã được đặt ra ban đầu, thậm chí tạo “cơ chế 2 giá”, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai các dự án có sử dụng đất. Đáng nói, một hệ quả phát sinh thường xuyên của khung giá đất là làm kéo dài tiến độ các dự án do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Từ những bất cập nêu trên, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể khi dự thảo sửa đổi Luật đất đai năm 2013 về việc xác định lại phương pháp xác định giá đất sao cho phù hợp với cơ chế thị trường tại thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, khung giá đất là cơ sở để UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, định kỳ 5 năm một lần, công bố vào ngày 1/1 năm đầu kỳ. Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất thị trường biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất phù hợp.
Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất, phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai. UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể, làm căn cứ tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Tuy nhiên, quản lý giá đất thuộc loại quan trọng và phức tạp nhất. Các bất cập trong quản lý đất đai hiện nay cũng sinh ra từ quản lý giá đất không đảm bảo tính phù hợp thị trường.
Việc xác định giá đất theo thị trường không hề dễ dàng chút nào. Nhiều người trong giới “buôn đất” chỉ chờ sơ hở trong quản lý, lộ ra khoảng cách giữa giá đất của Nhà nước và giá đất thị trường để kiếm tiền.
Đặc biệt, thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại “cơ chế 2 giá”. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá. Tuy nhiên, sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện, tham nhũng…
Trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, xin ý kiến nhân dân và đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5 này, dự luật bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá trước khi ban hành.
Theo đó, Bảng giá đất sẽ được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động, UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Nội dung này được đánh giá là đột phá, vì Luật Đất đai 2013 đang có hiệu lực quy định khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm một lần, với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện, nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung cho phù hợp.
Tổng Hợp
(Dân Trí)