Liên quan tới ít nhất 50 ngành, lĩnh vực kinh tế khác, đóng góp trực tiếp khoảng 12% và gián tiếp tới 20-25% vào tăng trưởng GDP, nên không khó hiểu khi thị trường bất động sản “hắt hơi” thì nền kinh tế cũng “sổ mũi” theo.
GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước mắt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần rà soát toàn bộ dự án để giao cho địa phương, sau đó trình Quốc hội nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, trong đó quy định cụ thể dự án như thế nào thì được duyệt, dự án nào bị bỏ lại.
Theo ông Võ, chỉ khi được Quốc hội thông qua thì địa phương mới dám phê duyệt, nếu không địa phương sẽ không dám quyết, bởi ách tắc pháp lý là ách tắc lớn nhất, phổ biến nhất, dẫn tới tình trạng người có thẩm quyền không dám phê duyệt và điều này là khó tránh khi hệ thống pháp luật bất động sản còn chồng chéo. Đây là nguyên nhân chính cản trở việc phê duyệt dự án.
Giữa tuần qua, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế. Vì vậy, việc tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường là hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo về những dự án bất động sản gặp vướng mắc điển hình, phương án giải quyết, thời hạn hoàn thành.
“Các đồng chí phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong, trong đó tập trung vào những nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau cuộc họp, chúng ta phải khẩn trương triển khai các giải pháp hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án, tạo chuyển biến, tác động tích cực ngay đến thị trường bất động sản. Không thể cứ họp nhiều mà vướng mắc vẫn vậy, thị trường vẫn vậy”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP-Invest, biến cố của thị trường bất động sản lần này khó khăn hơn rất nhiều so với những lần trước đó. Nếu cuộc khủng khoảng năm 2012 chỉ là biến động của thị trường, của quy luật cung cầu, thì cuộc khủng hoảng lần này còn có sự cộng hưởng của trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng, nên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ban, ngành.
“Doanh nghiệp không kỳ vọng quá nhiều vào việc thị trường bất động sản có thể bật dậy ngay, mà cần hồi phục từng bước, chậm mà chắc. Hiện nay, Chính phủ đang rất quan tâm và quyết tâm phục hồi thị trường khi đưa ra nhiều biện pháp mềm dẻo, linh hoạt để tháo gỡ những vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua ‘bão lớn’ và giữ được sự ổn định để phát triển. Tuy nhiên, đây là một thị trường lớn, phức tạp và để có thể vực dậy thì bên cạnh những nghị định, nghị quyết hay chính sách mới, cũng cần ổn định cả tâm lý cho thị trường. Nhìn chung, với động thái quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, kỳ vọng sự hồi phục của thị trường địa ốc sẽ diễn ra nhanh hơn”, ông Hiệp bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các thị trường xuất hiện nhiều thách thức, từ thị trường tài chính, tiền tệ, tới bất động sản. “Hiện tại, đầu tư công còn cả triệu tỷ đồng trong ngân hàng, tương tự là các khoản của ngân sách cũng không giải ngân được. Nền kinh tế thiếu tiền, cung tiền M2 cũng thiếu hụt, lạm phát thấp, lãi suất cao…, toàn những nghịch lý cả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vào cuối phiên thảo luận, đó là tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi các cấp.
Tổng Hợp
(ĐTCK)