Cuối tuần trước, nhiều ngân hàng bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, áp dụng từ hôm nay (15/5). Lãi suất giảm 0,1-0,6%/năm ở hầu hết kỳ hạn.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,6%/năm, 3 tháng còn 5,1%/năm, 6-9 tháng còn 5,8%/năm. Lãi suất từ 12 tháng trở lên được duy trì ở 7,2%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%, xuống 7,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên.
Tương tự, Agribank giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và 3-5 tháng là 5,1%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm… Mức lãi suất 8,2%/năm khi gửi online với kỳ hạn 12 tháng cũng đã biến mất.
Ở nhóm nhà băng tư nhân, hàng loạt đơn vị cũng nhập “cuộc đua” giảm lãi suất huy động. Biểu lãi suất niêm yết mới nhất của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng đã giảm 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15-36 tháng giảm về 7,2%/năm.
TPBank cũng giảm đến 0,2%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng đã áp dụng việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động như HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank, MSB… Hiện tại, mức lãi suất trên 9%/năm trong ngân hàng đã biến mất. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất trên thị trường phổ biến ở mức 7-8,5%/năm. Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái khi mà có thời điểm lãi suất lên tới 12%/năm, lãi suất tiết kiệm đã giảm rất mạnh.
Trên thị trường liên ngân hàng – nơi các nhà băng vay mượn lẫn nhau, lãi suất giảm 1-2%/năm từ đầu tháng. Lãi suất bình quân liên ngân hàng chốt ngày 10/5 kỳ hạn qua đêm là 4,83%/năm, 1 tuần 4,87%/năm, 2 tuần là 4,51%/năm, 1 tháng 5,46%/năm…
Mức lãi suất liên ngân hàng duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống ở trạng thái khá hạn chế. Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt cho thấy sự dồi dào thanh khoản. Việc các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động, phần nào cho thấy thị trường đang dư thừa thanh khoản. Ngân hàng huy động vốn nhiều, nhưng không thể cho vay ra tương ứng.
Phó thống đốc Đào Minh Tú, tại họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong quý I, cũng nhận định tín dụng tăng thấp do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57%, tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%).
Diễn biến hạ lãi suất cũng đã được giới trong ngành dự báo trước đó. Các công ty chứng khoán đều cùng chung nhận định lãi suất giảm là xu hướng chung của năm nay.
Cuộc đua lãi suất huy động cũng đã chững lại từ đầu năm sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hạ lãi suất tiền gửi, đồng thời chỉ riêng tháng 3 vừa rồi đã có tới 2 lần hạ lãi suất điều hành. Tại một hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng hé lộ việc có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành, nhằm hạ lãi vay. Trên cơ sở này, lãi suất huy động có thể sẽ còn giảm tiếp.
Trong báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán mới đây đều cùng chung nhận định lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay.
Tổng Hợp
(Dân Trí)