Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 62/2022QH15 về hoạt động chất vấn. Xử lý sở hữu chéo vẫn khó khăn khi cổ đông lớn cố tình che dấu, thanh tra chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng, phát hiện dấu hiệu tội phạm chuyển công an điều tra.
Một trong những nội dung đáng chú ý được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng “nhắc” trong báo cáo liên quan đến sở hữu chéo, sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo tư lệnh ngành Ngân hàng, thời gian qua, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại TCTD.
Nhờ đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo giữa TCTD, TCTD và doanh nghiệp theo báo cáo của TCTD qua xử lý đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây; cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo xử lý nhằm tập trung vốn cho các hoạt động kinh doanh chính và sử dụng vốn có hiệu quả hơn.
Dù tình trạng sở hữu chéo chủ yếu phát sinh trước khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực, song Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Ngoài ra, một số TCTD hiện nay có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan. Mặc dù mức độ sở hữu không vi phạm quy định của pháp luật song tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cũng theo Thống đốc, pháp luật không có quy định về khái niệm đầu tư chéo, trong quá trình hoạt động các TCTD phải tuân thủ quy định của pháp luật (bao gồm cả việc cấp tín dụng, đầu tư, góp vốn, sở hữu cổ phần,…).
Hiện nay, một số TCTD cấp tín dụng (cho vay, đầu tư…) đối với cổ đông (tổ chức, cá nhân) và người liên quan của cổ đông. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không cấm trường hợp TCTD cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định (Điều 126, 127, 128 Luật các TCTD về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng).
NHNN cũng cho rằng, trong công tác phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD, NHNN gặp khó khăn với việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, tuy nhiên, đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các TCTD nên sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.
Ngoài ra, việc phát hiện mối liên hệ giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.
Về định hướng trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn…trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, NHNN xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro. Đồng thời, các bộ, ban ngành, đơn vị chủ quản của doanh nghiệp cần quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các TCTD tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các TCTD đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn cho các TCTD.
Tổng Hợp
(Dân Việt)