Cùng với xu hướng tăng nhanh của lãi suất liên ngân hàng, liên tiếp trong 6 phiên gần đây, Nhà điều hành đã bơm ròng tổng cộng gần 46.288 tỷ đồng qua kênh cầm cố. Những diễn biến mới nhất trên thị trường liên ngân hàng cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dồi dào.
Trong báo cáo phân tích vừa công bố mới đây, các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, Ngân hàng nhà nước sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hóa hạ nhiệt.
“Ngoài ra, việc Fed được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý II/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%”, KBSV dự báo.
Biểu lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại cổ phần vừa ghi nhận đợt điều chỉnh thứ 2 trong tháng này với mức giảm từ 0,2 điểm % – 1,5 điểm %, tùy từng kỳ hạn.
Chẳng hạn như tại ngân hàng MSB, nhà băng này điều chỉnh lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, với biên độ giảm giao động từ 0,2%/năm – 0,4%/năm.
Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng của MSB chỉ còn 8,1%/năm, thay vì 8,4%/năm như trước đó.
Ngân hàng ABBank cũng không ngoại lệ. Nhà băng này điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng về 8,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất giờ đây chỉ còn được niêm yết ở mức 8,8%/năm (giảm 0,3 điểm %).
GPBank cũng vừa điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 11/4 với mức giảm từ 0,3-0,55% ở một số kỳ hạn. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng lãi suất huy động giảm từ 8,6%/năm xuống 8,05%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 8,9%/năm còn 8,25%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng giảm từ 8,9%/năm xuống 8,35%/năm.
Hay như tại Techcombank, nhà băng này cũng đã giảm mức lãi suất tiết kiệm cao nhất dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên về còn 7,8% từ mức 8% ghi nhận trước đó.
OCB cũng vừa giảm lãi suất tiết kiệm cao nhất dành cho các kỳ hạn trên 12 tháng từ 9,3%/năm xuống còn 9,1%/năm, với hình thức gửi tiết kiệm online.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây giảm lãi suất huy động thêm 0,2%. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6-11 tháng giảm xuống còn 7,9-8%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng còn 8,2%/năm.
Làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm lan rộng trên thị trường dân cư, trong khi đó lãi suất vay mượn “nóng” trên thị trường liên ngân hàng lại có chiều hướng tăng nhanh.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng đang đứng ở mức 5,49%/năm, với khối lượng giao dịch lên tới trên 200.000 tỷ đôn. Các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng lần lượt là 5,47%; 5,63% và 6,57%.
Như vậy, chỉ tính trong một tuần qua, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng tới 2,2 điểm %, đồng nghĩa với chi phí các ngân hàng đang vay mượn lẫn nhau đã tăng tới gần 70%, một mức tăng rất đáng chú ý chỉ trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 – 2022, các nhà phân tích nhận thấy nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 -5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7-8% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11%.
Trong năm 2023, có hai yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND trong hệ thống.
Tổng Hợp
(Dân Việt)