Các “ông lớn” bất động sản lại đang nằm trong nhóm rủi ro theo phân loại của các chuyên gia và có nhóm “người chơi mới” này đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường bất động sản…
Trong kiến nghị “khẩn” gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhấn mạnh rằng, tại thời điểm hiện nay khó khăn lớn nhất nổi lên của doanh nghiệp bất động sản là tình trạng thiếu “dòng tiền”, thiếu “thanh khoản” nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 33/NQ-CP đã tác động rất tích cực làm tăng “niềm tin” cho thị trường và nhà đầu tư, đã cho thấy sự lắng nghe, thấu hiểu và hành động phản ứng chính sách kịp thời của Bộ Tài chính và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các chuyên gia phân tích của Batdongsan.com.vn trong báo cáo quý I/2023, đã phân chia các doanh nghiệp BĐS Việt Nam thành 4 nhóm điển hình: Rủi ro, cân bằng, tiềm lực và người chơi mới.
Cách thức phân loại dựa trên đánh giá về áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ so sánh với quy mô tài sản của các doanh nghiệp dựa theo số liệu từ báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố.
Cụ thể, nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp ở nhóm “rủi ro” khi áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản.
Nhóm này bao gồm hàng loạt “ông lớn” BĐS trên thị trường hiện nay, như: Viglacera (VGC), , Phát Đạt (PDR), Hà Đô (HDG), Becamex IDC (BCM), CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS),… Các doanh nghiệp thuộc nhóm này đang chuyển mình theo hướng thu gọn để cân bằng thông qua tái cơ cấu nợ và cân bằng dòng tiền bằng việc bán bớt tài sản, giảm lượng hàng tồn kho bằng cách điều chỉnh giá bán hoặc đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến mãi phù hợp.
Thứ hai là nhóm các doanh nghiệp phát triển BĐS có vị thế “cân bằng” với tỷ lệ nợ và quy mô tài sản ở mức hợp lý.
Đại diện của nhóm này là Văn Phú Invest (VPI), Đất Xanh (DXG), IDICO (IDC), Nam Long (NLG), Sài Gòn Thương Tín (SCR), C.E.O (CEO), Kinh Bắc (KBC),… Giải pháp của họ là tối ưu vận hành và tập trung vào thế mạnh sản phẩm lõi để củng cố dòng tiền ổn định, ưu tiên tái cơ cấu các khoản nợ rủi ro lớn trong ngắn hạn.
Thứ ba, là nhóm chủ đầu tư BĐS “tiềm lực” có tỷ lệ nợ ngắn hạn và tổng nợ thấp, quy mô tài sản lớn. Điển hình có thể kể tới trong nhóm này là Khang Điền (KDH) và một số chủ đầu tư nước ngoài.
Ngoài các nhóm hiện tại, thị trường xuất hiện nhóm “người chơi mới”, nhóm này là một ẩn số với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư,… đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường BĐS thông qua M&A, thu mua quỹ đất với những doanh nghiệp BĐS phù hợp hoặc tự thành lập doanh nghiệp BĐS để phát triển sản phẩm riêng.
Anh Phạm Văn Tuyên, một nhà đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nhiều tháng nay, cả nhóm đầu tư của anh đã tập trung nghiên cứu và theo sát thị trường BĐS vùng ven Sài Gòn, trong đó có thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. “BĐS đã lập đỉnh ở thời điểm đầu năm 2022 và liên tục giảm giá trong những tháng gần đây. Với kinh nghiệm đầu tư, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt. Nhưng chúng tôi thận trọng hơn, không đầu tư vào các lô đất lớn, nhiều tiền, không đầu tư các khu vực không có tiềm năng, triển vọng để tránh tình trạng sốt ảo như thời gian qua”, anh Tuyên cho hay.
Nhằm lành mạnh hóa thị trường BĐS, mới đây, Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tín dụng cho doanh nghiệp và coi đây là “nút thắt cần gỡ để khơi thông cho các thị trường khác liên quan”.
Về chính sách tín dụng BĐS, từ đầu năm đến nay, 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn. Nhiều ngân hàng thương mại đã được nới thêm hạn mức tín dụng từ 1,5 – 2%. Vì thế, các doanh nghiệp BĐS đang chờ đợi các dòng tiền tín dụng khơi thông để các dự án BĐS tiếp tục hoàn thiện. Mặt khác, nếu thị trường chứng khoán trong năm 2023 tăng từ 30%- 50% và trái phiếu phục hồi sẽ là cơ sở để có thêm nguồn tiền đổ vào nền kinh tế và BĐS.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những giải pháp này không chỉ góp phần “phá băng” thị trường BĐS, giúp BĐS lấy lại thanh khoản, gỡ khó cho DN kinh doanh BĐS, mà còn hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Tổng Hợp
(Dân Việt, BRVT)