Chưa thực sự có nhiều giao dịch, song ghi nhận thực tế thị trường bất động sản thời gian gần đây cho thấy, dòng tiền bắt đầu nhập cuộc trở lại, tập trung vào các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực, pháp lý hoàn thiện và có thể khai thác kinh doanh ngay.
Không thể phủ nhận thực tế là không chỉ bất động sản, mà nhiều ngành nghề khác đều đang bị ảnh hưởng bởi bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Song, theo phân tích của các chuyên gia, với thị trường bất động sản, chướng ngại cần vượt qua nhất lúc này chính là rào cản về tâm lý, khi đa phần người mua ở thực cũng như đầu tư đều có tâm lý chờ đợi giá bất động sản giảm sâu mới tính chuyện mua vào.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc dự đoán đâu là đỉnh, là đáy của thị trường là đánh giá chủ quan của mỗi cá nhân. Mỗi loại hình bất động sản sẽ có tiềm năng, lợi thế nhất định tùy thuộc vào từng thời điểm, chính sách nào đang tác động. Vậy nên, khi đã tích lũy đủ nguồn tài chính và tìm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu thì người mua không cần quá đắn đo về giá, mà ngay khi thấy có sự điều chỉnh là có thể mua vào.
Là người tham gia thị trường bất động sản từ những năm 2005-2006, ông Nguyễn Sương, ngụ quận 3, TP.HCM chia sẻ, ông đã chứng kiến thị trường trải qua nhiều thăng trầm và nhận thấy rằng, cứ sau mỗi chu kỳ suy thoái, thị trường sẽ bật dậy mạnh mẽ hơn.
“Hiện nhiều người cho rằng xuống tiền vào thời điểm này là không khôn ngoan, nhưng với nhà đầu tư trường vốn, đây là thời điểm phù hợp nhất để tích lũy đường dài”, nhà đầu tư này nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, chưa nói đến giá, nhưng hiện tại có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt.
Theo phân tích của giới chuyên môn, đây là dấu hiệu dự báo “đáy” của thị trường lộ diện. Thực tế, sau thời gian dài “đứng hình” do thị trường khó khăn, giá bất động sản một số khu vực vùng ven TP.HCM từng là những “điểm nóng” thời điểm trước dịch đã giảm khá sâu, kéo theo đó là dòng tiền đi săn “hàng ngộp”, đặc biệt tại những khu vực có hạ tầng phát triển.
Ông Lê Văn Ty, một môi giới địa ốc tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/2023 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thông tin khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu từ ngày 30/4/2023, nhiều lô đất vườn trước đây do các chủ đất bị nợ rao bán nhưng chưa thành công, thì nay bắt đầu có giao dịch.
“Tuy nhiên, việc chọn lựa sản phẩm để mua lúc này rất kỹ, chỉ những khu đất có vị trí đẹp, quy hoạch rõ ràng và giá đã giảm sâu mới có người mua”, môi giới này cho hay.
Còn ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings, doanh nghiệp chuyên đầu tư – phân phối bất động sản Bình Thuận thông tin, thời gian gần đây, thị trường Bình Thuận cũng đã xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư tìm hiểu bất động sản biển khu vực này.
“Chưa hình thành nên xu hướng, song Bình Thuận có thể là một thị trường xuất phát từ nhu cầu thực, nên nhiều trường hợp do kẹt tiền chấp nhận bán giá thấp hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng tại đây đang được phát triển mạnh nên nhận được sự quan tâm từ thị trường, không ít người có sẵn nguồn tài chính đang âm thầm ‘săn hàng’”, ông Sang nói và cho biết thêm, mới đây, Bình Thuận đã chính thức thông xe kỹ thuật đoạn đường dài 8 km ven biển ĐT 719B, kết nối Quốc lộ 1 đến khu vực biển Tiến Thành – cũng là địa điểm tổ chức lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2023 của địa phương này (diễn ra tại NovaWorld Phan Thiết). Ngoài ra, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ chính thức thông xe từ ngày 30/4 tới cũng tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản Bình Thuận.
Trong số thị trường đang được giới đầu tư “để mắt” hiện tại, có lẽ TP.HCM vẫn được ưu tiên nhất. Anh Trần Văn Vững, một môi giới chuyên về bất động sản nhà phố cho hay, trong vài tuần trở lại đây, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 33/2023 được ban hành, hoạt động giao dịch trên thị trường này đã có dấu hiệu tăng trở lại.
“Tất nhiên, giao dịch vẫn chủ yếu tập trung tại những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực và có thể đưa vào khai thác kinh doanh ngay, còn dòng sản phẩm không đáp ứng các yếu tố này vẫn không có thanh khoản”, môi giới này nói.
Thời gian qua, việc các ngân hàng hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh địa ốc, cộng thêm lãi suất tăng cao khiến nhiều người bị kẹt vốn, buộc phải bán bất động sản để giải quyết bài toán tài chính. Tại TP.HCM, gần đây, tình trạng rao bán nhà để giải quyết khó khăn có chiều hướng tăng lên, trong đó có nhiều trường hợp rao giá giảm từ 10-20% so với mặt bằng chung.
“Có thể nói, thị trường nhà phố TP.HCM đã chạm đáy. Với một sản phẩm nhà phố có yếu tố thương mại, giá cho thuê tốt, nếu chỉ giảm từ 5-10% so với lúc thị trường bình thường sẽ khó bán, nhưng chỉ cần chấp nhận giảm sâu hơn là ngay lập tức có người hỏi mua”, ông Vững nói, đồng thời cho rằng, thực tế, có nhiều người sẵn tiền sẵn sàng mua bất động sản, vấn đề lúc này chỉ là thời điểm và giá bán.
Giới chuyên kinh doanh dòng sản phẩm này nhận định, nhà phố luôn có sức hấp dẫn, kể cả trong giai đoạn thị trường khó khăn nhất, cho nên luôn có “làn sóng ngầm” giao dịch. Đặc thù của thị trường nhà phố là không cố định giá, mà quan trọng là người mua cảm thấy hợp lý hay không, nên không hiếm trường hợp có những căn được mua với giá chênh so với thị trường hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, miễn sao người mua “ưng mắt”.
Tổng Hợp
(ĐTCK)