Sau 8 năm thực hiện, dự án đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương mới làm được vài cây cầu bê tông còn dang dở…
Không phải ngẫu nhiên, giữa tháng 3/2023 vừa qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện giải pháp chấm dứt thực hiện trước thời hạn Hợp đồng BOT đối với chủ đầu tư dự án nói trên. Đồng thời, gửi văn bản lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm phương án khai thông, tiếp tục đầu tư dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức hợp đồng BOT là dự án trọng điểm thuộc chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; đáp ứng nhu cầu giao thông khu vực cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, phục vụ phát triến kinh tế xã hội của thành phố và khu vực.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, ngày 13/10/2015 UBND TP.HCM đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, dự án sẽ xây dựng 02 đường song hành 2 bên, đáp ứng 3 làn xe mỗi bên (rộng 14,5 m), chiều dài tuyến khoảng 2,7km (từ nút giao với Quốc lộ 1 đến nút giao với đường Tân Tạo – Chợ Đệm).
Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM – Trung Lương là doanh nghiệp dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.557 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,8% và số còn lại là đi vay (85%). Chủ đầu tư được xây dựng 1 trạm thu phí trên đoạn tuyến nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 17 năm 8 tháng. TP.HCM sẽ chi ngân sách bồi thường, di dời, giải tỏa và giao đất sạch cho chủ đầu tư.
Theo hợp đồng BOT, thời gian khởi công và hoàn thành giai đoạn 1 dự án là năm 2015-2017. Tuy nhiên tới hạn, dự án không những không hoàn thành đúng tiến độ mà tiền nhà đầu tư chi ra chỉ đạt khoảng 140 tỷ tương đương 12% phần khối lượng xây lắp.
Báo cáo mới đây nhất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM thể hiện, ngân sách TP.HCM đã chi ra hơn 560 tỷ đồng để bồi thường giải tỏa 250 trường hợp bao gồm 5 doanh nghiệp, 106 hộ dân có nhà đất, 139 hộ có đất nông nghiệp để bàn giao mặt bằng sạch hơn 85% cho nhà đầu tư. Nhưng, dự án đã dừng thi công hoàn toàn từ năm 2018 đến nay (tháng 3/2023).
Từ ngày dự án bị đình trệ nghiêm trọng, chính quyền TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư (Công ty Yên Khánh) và doanh nghiệp dự án (Công ty BOT TP.HCM – Trung Lương) giải trình, chứng minh tiềm lực tài chính, phương án khắc phục các vi phạm hợp đồng…
Tuy nhiên, tới tháng 9/2020, hết thời hạn giải trình, chứng minh, phía chủ đầu tư lẫn doanh nghiệp dự án vẫn… lặng thinh.
Tới tháng 10/2020 thì Công ty Yên Khánh, Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM – Trung Lương xác nhận chưa thể cung cấp các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quan đến việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay, đảm bảo thực hiện hợp đồng theo đúng quy định pháp luật.
Trước thực tế này, cơ quan chức năng đã phải kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở ngành liên quan làm thủ tục chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký với Công ty Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM- Trung Lương hoặc phương án xử lý khác phù hợp theo quy định.
Theo Sở giao thông vận tải TP.HCM, trong quá trình phối hợp rà soát, tổng hợp báo cáo để tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, bất ngờ nhận được đề xuất của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – chi nhánh TP.HCM (LienVietPostBank) báo cáo, cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh ngân hàng này là đại diện duy nhất có đủ thẩm quyền của bên cho vay, để thực hiện hợp đồng BOT đã ký kết.
Tổng Hợp
(Dân Việt)