Ngày lập xuân của năm Quý Mão đã trôi qua hơn 1 tháng, song thị trường bất động sản vẫn đắm chìm trong “giấc ngủ đông”. “Thị trường quá khó khăn, không bán được hàng, doanh nghiệp đang bị mất phương hướng chưa biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi”. TP.HCM hiện có cả trăm dự án đang vướng thủ tục pháp lý…
Chưa bao giờ câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được quan tâm nhiều như hiện nay. Điều này càng cho thấy, bất động sản có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế, mà theo thống kê của giới chuyên gia là có liên quan đến hàng chục ngành nghề, lĩnh vực khác. Do vậy, vực dậy thị trường bất động sản sẽ vực dậy cả nền kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần là “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản.
Hệ lụy có thể dự báo từ việc thị trường mất thanh khoản, dự án ngưng xây dựng… không chỉ tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, mà còn kéo theo tình trạng hàng loạt khách hàng đã mua nhà “ngồi trên đống lửa”, kéo đến các doanh nghiệp đòi nhà hoặc lấy lại tiền.
Chưa bao giờ thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay. Liên tục thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng phải gửi tâm thư cho khách hàng, người lao động trong doanh nghiệp mong được thấu hiểu và sẻ chia với những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Vừa qua, chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn xây dựng hàng đầu đã viết tâm thư cho các cán bộ, công nhân viên trong công ty với nội dung: “Ban lãnh đạo công ty rất lấy làm tiếc vì chưa cân đối được tình hình tài chính dẫn đến việc thanh toán các kỳ lương bị chậm trễ, cho dù đã rất nỗ lực. Bản thân tôi cũng đã làm mọi việc có thể, kể cả đem toàn bộ tài sản cá nhân và gia đình bao gồm nhà cửa, cổ phiếu… thế chấp ngân hàng. Đây là lần đầu tiên trong hơn 35 năm qua chúng ta gặp phải tình trạng này…”, vị chủ tịch này nói và chia sẻ lý do gặp khó, trong suốt nhiều năm qua, nhiều dự án không được cấp giấy phép khiến thị trường xây dựng bị thu hẹp, đồng thời chính sách siết chặt hạn mức tín dụng cùng lãi suất ngân hàng tăng cao đã tác động đến thị trường kinh doanh nói chung và xây dựng nói riêng.
Mới nhất, một tập đoàn bất động sản hàng đầu tại phía Nam đã phát đi thông báo thay đổi chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà tại dự án do tập đoàn này triển khai, cụ thể là khách hàng sẽ phải chủ động trả lãi vay hoặc tất toán khoản vay với ngân hàng, thay vì được tập đoàn hỗ trợ lãi vay như cam kết ban đầu, lý do bởi gặp khó khăn về dòng tiền.
Việc doanh nghiệp gặp khó khăn nên cần sự chia sẻ của người lao động, khách hàng, đối tác… là dễ hiểu, song điều đáng báo động đằng sau những bức tâm thư này là sự “đổ vỡ” niềm tin, chẳng hạn như động thái dừng hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà của tập đoàn kể trên giống như một “gáo nước lạnh” dội mạnh vào thị trường, vào niềm tin của người mua nhà, bởi đây là doanh nghiệp được biết đến như là “sếu đầu đàn” trong việc triển khai nhiều dự án bất động sản lớn, thu hút hàng ngàn người mua nhà. Với một doanh nghiệp bất động sản, uy tín và năng lực triển khai dự án được xem là yếu tố quyết định việc khách hàng xuống tiền, đặc biệt là các dự án hình thành trong tương lai. Thế nên, một khi niềm tin không còn, điều gì sẽ xảy ra?
Thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, một số doanh nghiệp phải miễn cưỡng tung sản phẩm ra thị trường kèm theo các chương trình khuyến mãi, chiết khấu, nhưng sau đó lặng lẽ đóng lại vì không có người mua. Phó tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết, sức cầu của thị trường đang tắt lịm, tất cả các phân khúc đều “đứng hình”, bất kể sản phẩm tốt hay không.
“Đang là mùa Xuân nhưng thị trường vẫn còn ‘ngủ Đông’ – nỗi lo nhất đối với cả chủ đầu tư dự án lẫn giới đầu tư, bởi mất thanh khoản sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn khác”, vị này nói.
Dạo quanh thị trường bất động sản phía Nam những tháng đầu năm, ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, từ hoạt động môi giới đến tiến độ xây dựng tại nhiều công trình đều rơi vào cảnh đìu hiu. Nhiều dự án tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… trong tình trạng tạm ngưng thi công. Tại một đại dự án bất động sản ở Đồng Nai, công trình mà trước đó không lâu, công nhân xây dựng, nhân viên kinh doanh ra vào tấp nập, giờ đây vắng hẳn hơi người.
“Trước đây mỗi ngày có cả ngàn công nhân ra vô tấp nập, còn gần đây không biết vì sao dự án ngừng thi công”, chị bán nước trước cổng dự án chia sẻ.
Tại dự án bất động sản lớn ở Bình Dương có chủ đầu tư là một tập đoàn bất động sản có tiếng đặt trụ sở tại TP.HCM hiện đã được cất nóc, nhưng nhiều tháng qua vắng bóng nhà thầu và công nhân xây dựng, thay vào đó là hàng chục người mua nhà căng băng rôn đòi nhà, đòi lại tiền vì dự án trễ hẹn giao nhà. Trao đổi với phóng viên, đại diện chủ đầu tư cho biết, việc dự án tạm ngưng xây dựng và chậm tiến độ bàn giao nhà là thật, lý do bởi ngân hàng đã ngưng giải ngân vốn để xây dựng dự án.
“Doanh nghiệp hiện không còn cách nào khác là chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng mới tiếp tục hoàn thiện dự án, chỉ mong khách hàng hiểu và chia sẻ”, đại diện doanh nghiệp này bày tỏ.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)