Sau “hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững” ngày 17/02/2023, Chính phủ đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững…
Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường BĐS, trong đó tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng.
Đặc biệt, Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành phối hợp để tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường.
Cụ thể, để cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, Chính phủ đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.
Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.
Tăng cường thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án để tăng nguồn cung cho thị trường.
Yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và việc ban hành kết luận kết quả rà soát pháp lý các dự án làm cơ sở để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo theo quy định.
Các địa phương cũng đồng thời ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan như: điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ được tách diện tích đất trong dự án bất động sản thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại…
Đặc biệt, Nghị quyết cũng yêu cầu các địa phương phải cải cách, tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để giải quyết nhanh các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát công tác giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh không để kéo dài thời gian, tồn đọng công việc.
“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực, sự hiểu biết, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; bảo vệ người làm đúng nhằm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm,… trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay”, Nghị quyết nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết năm 2022, nguồn cung BĐS, nhà ở khan hiếm; cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS trong quý IV/2022 là gần 800.000 tỉ đồng; dư nợ trái phiếu DN riêng lẻ khoảng 2 triệu tỉ đồng, trong đó của DN BĐS là trên 400.000 tỉ đồng (chiếm hơn 30%). Năm 2022, hoạt động của các DN kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu…); lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm… dẫn đến nhiều tập đoàn, DN phải thu hẹp quy mô đầu tư; tinh giản lao động (có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động); dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới… Khó khăn của thị trường BĐS kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Cần được hỗ trợ về cơ chế là kiến nghị của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland). Ông Nhơn kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án BĐS từ 2 – 3 năm để giúp các DN có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. “Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10% – 20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu” – ông Nhơn nói.
Cũng bức xúc về vấn đề cơ chế, pháp lý, tổng giám đốc một DN BĐS tại TP HCM, sau khi theo dõi hội nghị đã cho biết dự án của công ty triển khai có đầy đủ thủ tục, pháp lý, gần hoàn thiện, nhưng chỉ vì vướng một cơ chế không đáng mà địa phương không xử lý, làm dự án ách tắc kéo dài, DN gặp khó, thiệt hại lớn.
“Hội nghị cơ bản giải quyết nhiều vấn đề khó khăn chung cho thị trường BĐS với những chỉ đạo liên quan đến chính sách tài chính, tín dụng… nhưng chủ yếu đối với các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội… Đó cũng là tín hiệu tốt, từ đó thị trường sẽ ổn định, bền vững” – vị này nhận định.
Trong khi đó, lãnh đạo một DN BĐS có vốn nhà nước đến 99,78% cho biết dự án của công ty bị “đứng hình” 4 năm chỉ vì tên công ty cổ phần chưa được cập nhật sau khi cổ phần hóa theo chủ trương chung của Chính phủ. Theo dõi từ đầu hội nghị, vị lãnh đạo này cho rằng hội nghị được xem là hy vọng cuối cùng cho việc tháo gỡ các vướng mắc của DN mang tính thiết thực.
Tổng Hợp
(Người Lao Động, Dân Việt)